Ấn “Tiên nhu chi bảo”
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh hiện đang trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu Hán Nôm liên quan đến triều Tây Sơn. Trong số này có hiện vật sao chụp dấu ấn triện “Tiên nhu chi bảo” thời Tây Sơn - một loại ấn dùng trong sắc phong thần linh.
Chiếc ấn này có 4 chữ Hán “Tiên nhu chi bảo” được khắc theo lối triện thư. Ấn có cạnh 15,2 cm x 15,2 cm, viền ngoài đậm 2,2 cm; các dòng chữ chỉ ngày tháng sau niên hiệu đều dùng kiểu chữ khải thư. Do ấn khắc theo lối triện thư, nên một số người đã nhầm tự dạng chữ “Tiên” ra chữ “Hòa” và chép sai thành ấn “Hòa nhu chi bảo”.
Chữ “Tiên” trên ấn hàm nghĩa là hạt lúa dẻo thơm mới mọc, còn chữ “Nhu” nghĩa là làm mềm nhuần như mưa xuân tưới cho cây cối. 4 chữ “Tiên nhu chi bảo” muốn nói rằng các vị thần linh phù hộ cho được gió thuận mưa hòa và cây lúa mọc mầm xanh tươi tốt mới là của báu.
Theo các nhà nghiên cứu, khác so với các triều đại khác khi phong thần đều dùng ấn có bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo”, triều Tây Sơn - từ thời vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đến vua Cảnh Thịnh - Bảo Hưng - Nguyễn Quang Toản trong sắc phong thần linh đều sử dụng ấn có bốn chữ Hán “Tiên nhu chi bảo”.
Trong khi các triều đại khác phong sắc thần linh vào các dịp vua, chúa lên nối ngôi hoặc có một điềm lành, một sự kiện trọng đại trong nước thì triều Tây Sơn phong sắc thần linh liên tục từ năm Quang Trung thứ hai (1789), thứ ba (1790), thứ tư (1791), thứ năm (1792); năm đầu Cảnh Thịnh (1793), thứ hai (1794), thứ ba (1795), thứ tư (1796), thứ năm (1797), thứ sáu (1798), thứ bảy (1799), thứ tám (1800). Đến khi vua Nguyễn Quang Toản đổi niên hiệu Cảnh Thịnh thành Bảo Hưng năm đầu (1801), Bảo Hưng năm thứ hai (1802) vẫn ban sắc phong thần.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, chính sách phong sắc thần linh của triều Tây Sơn có nhiều nét độc đáo, riêng có, rất cần đào sâu nghiên cứu thêm.
BẢO MINH