Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tư pháp
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2022 diễn ra ngày 14.1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục chủ động, tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả từng mặt công tác, đóng góp tích cực cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Chuyển biến tích cực
Theo ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, năm 2021, Sở đã triển khai các mặt công tác với nhiều phương pháp đổi mới, tạo chuyển biến tích cực, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển KT-XH và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của tỉnh, của ngành.
Trong đó, nổi bật là triển khai thực hiện tốt việc xây dựng văn bản, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Trong năm, Sở đã tham gia góp ý 158 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định 174 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, lĩnh vực hành chính tư pháp đã giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân. Quản lý nhà nước trên lĩnh vực bổ trợ tư pháp đi vào nền nếp, việc xã hội hóa được tiếp tục đẩy mạnh theo đúng chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính. “Công tác trợ giúp pháp lý triển khai đúng định hướng, gần với việc quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương, hướng về cơ sở, phục vụ nhu cầu của đối tượng cần tuyên truyền pháp luật”, ông Phạm Dân nhận định.
Đáng chú ý, công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện rộng khắp, thống nhất và đồng bộ. Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân nói chung, đặc biệt là người dân ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng trong việc học tập, tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành pháp luật đã được nâng lên.
Nổi bật, để đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền cho ngư dân phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19, BĐBP tỉnh đã triển khai biên soạn 11.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về các nội dung có liên quan trực tiếp đến cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển; cấp 23.486 tờ rơi, 2.875 quyển sách pháp luật, 1.024 đĩa... Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị kịp thời thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng về chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch Covid-19; cấp phát 16.000 chiếc khẩu trang, 50 mặt nạ ngăn giọt bắn, phát 4.750 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch.
“Chúng tôi nhận thấy, áp dụng mô hình “Tiếng loa biên phòng” để tuyên truyền phổ biến pháp luật trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay là rất hiệu quả...”, đại tá Nguyễn Bá Bình, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho hay.
Cải cách là nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2022, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích thích nền kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, phấn đấu tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình so với cả nước.
Để đạt được mục tiêu chung nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác tham gia ý kiến, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Vai trò và hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp cần được nâng cao; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện công tác này. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công chứng, đấu giá, luật sư...
“Ngành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để tạo ra những thay đổi quan trọng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là Giám đốc Sở Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc tuyển chọn đủ cán bộ cho các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp, nhất là ở cấp xã, cấp huyện. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững và chấp hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền Tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, công minh, bảo vệ công lý, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
KHẢI THƯ