PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN:
Du lịch Quy Nhơn - Bình Định đang vào đà vươn tầm toàn cầu
Trong chuyến công tác về Bình Định vào đầu tháng 1.2022 nhân lễ ký kết hợp tác thực hiện chiến lược “Du lịch Quy Nhơn - Tầm nhìn châu Á” giữa Tập đoàn Hưng Thịnh với Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải (Vietravel), Trường ĐH Quy Nhơn, Trường Quốc tế Pegasus; PGS.TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Báo Bình Định về định hướng phát triển du lịch Quy Nhơn - Bình Định.
● Theo ông, du lịch Quy Nhơn - Bình Định phát triển như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
- Tôi tin rằng Chính phủ cho phép Bình Định đón khách quốc tế là rất tốt, điều này sẽ góp phần giúp Bình Định nói riêng, cả dải đất miền Trung nói chung nhanh chóng phục hồi. Tôi cũng tin rằng Quy Nhơn - Bình Định không những đặt mục tiêu phát triển du lịch mang tầm nhìn châu Á, mà hoàn toàn có thể bứt phá vươn lên tầm toàn cầu. Bởi Quy Nhơn - Bình Định hội tụ những điều kiện để phát triển du lịch đẳng cấp quốc tế với tiềm năng, lợi thế du lịch, cơ sở hạ tầng qua những sự hiện diện của Tập đoàn FLC, hay những cái đã và đang dần hiện hữu của Tập đoàn Hưng Thịnh, cộng với tinh thần mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Bình Định với những tuyên bố mở cửa tích cực, tôi tin rằng du lịch Quy Nhơn - Bình Định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Chúng ta đi sau vì vậy cần đặt mục tiêu phát triển du lịch theo hướng khác họ, trong đó nên tập trung phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Ngoài ra, để định hướng phát triển du lịch Quy Nhơn - Bình Định cũng cần phát huy bản sắc văn hóa, con người địa phương để vươn lên du lịch đẳng cấp cao mang tính đặc sắc về văn hóa.
● Ông đánh giá thế nào về tiềm năng thu hút đầu tư du lịch của Bình Định?
- Bình Định đang có bước tiến khá chắc, bởi năm 2021 là một năm mà dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều địa phương gặp khó, nhưng Bình Định vẫn có những mốc dấu tăng trưởng dương trong phát triển KT-XH, trong đó có ngành Du lịch. Bức tranh du lịch Quy Nhơn - Bình Định đang thay đổi khá rõ nét, nhưng nền tảng cơ bản để trở thành điểm đến có sức cạnh tranh lớn là phải tăng tốc hơn nữa. Tôi nghĩ lãnh đạo tỉnh Bình Định đã tạo điều kiện tốt thu hút nhà đầu tư du lịch và đang tạo điều kiện tốt hơn nữa để những “đại bàng Việt Nam” vào Bình Định “làm tổ” - đây là tín hiệu đáng mừng để du lịch Quy Nhơn - Bình Định cất cánh hơn nữa trong tương lai!
● Vậy Bình Định cần có giải pháp nào để phát triển du lịch trong thời gian tới, thưa ông?
- Ngoài những thứ mà Quy Nhơn - Bình Định hiện có sẵn sàng như tôi đã nói thì Bình Định cũng còn nhiều việc phải làm. Ví như Bình Định có sân bay Phù Cát, các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai, Quảng Nam lại có các sân bay: Tuy Hòa, Pleiku, Chu Lai; ta có thể xây dựng tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các tỉnh ấy vì họ cũng đặt mục tiêu phát triển du lịch; khi kết nối với nhau sẽ phát huy lợi thế của từng địa phương. Kinh doanh thì sẽ có cạnh tranh nhưng cũng sẽ có hợp tác để tận dụng tối đa ưu thế của nhau, bổ túc cùng nhau hưởng lợi.
Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) dịp tết Nguyên đán 2022. Ảnh: ĐẶNG VĂN HẢI
Điều tôi tâm đắc nữa là tính bản sắc văn hóa của du lịch Quy Nhơn - Bình Định. Hiện nay, Quy Nhơn là thành phố đang có định hướng phát triển khoa học công nghệ cao, tôi nghĩ đó là bước đột phá mạnh về phát triển du lịch khám phá trung tâm trí tuệ nhân tạo hàng đầu Việt Nam, thứ hai du lịch đẳng cấp quốc tế của FLC, Hưng Thịnh. Nhưng cái mà tôi cho quan trọng nhất là những giá trị di sản văn hóa của Bình Định, đặc biệt là võ thuật. Võ cổ truyền Bình Định đã nổi tiếng, nhưng chúng ta phải làm thế nào để di sản võ cổ truyền Bình Định có thể trở thành “tọa độ” gây sức hút đối với thế giới. Không những võ thuật, vùng đất Bình Định là vùng đất hào khí, linh thiêng, có bản sắc văn hóa riêng, điển hình là triều đại Tây Sơn oai hùng trong sử sách, chúng ta phải làm bản sắc Bình Định rực rỡ lên thì du lịch Bình Định sẽ có “chân dung” riêng, khác biệt riêng…
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)