Thêm ba nước trừng phạt Nga
Australia, Canada và Nhật Bản đồng loạt công bố lệnh trừng phạt Nga, sau khi Moskva công nhận độc lập đối với các khu vực ly khai ở Ukraine.
Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm 22.2 cho biết lệnh trừng phạt của nước này sẽ bao gồm lệnh cấm đi lại nhắm mục tiêu cụ thể và trừng phạt tài chính đối với thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nga. Ông chỉ trích động thái của Nga là "phi lý, không có cơ sở, vô cớ và không thể chấp nhận".
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida họp báo tại Tokyo ngày 17.2. Ảnh: Reuters.
Những biện pháp trừng phạt rộng hơn sẽ được áp dụng đối với các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Ukraine. Thủ tướng Australia dự kiến áp đặt thêm biện pháp trừng phạt đối với công dân Nga mà ông cho là đang hưởng lợi từ khủng hoảng Ukraine. Australia sẽ ưu tiên các đơn xin cấp thị thực của công dân Ukraine.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau gọi việc Nga công nhận khu vực ly khai Ukraine là "vi phạm các nghĩa vụ" của nước này theo luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc. Theo Trudeau, toàn bộ người dân Canada sẽ bị cấm tham gia "các giao dịch tài chính đối với cái gọi là các nhà nước độc lập Lugansk và Donetsk". Người Canada cũng bị cấm mua trái phiếu chính phủ Nga.
Canada còn nhắm mục tiêu vào các thành viên quốc hội Nga, những người đã bỏ phiếu công nhận Lugansk và Donetsk, cũng như hai ngân hàng nhà nước Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cáo buộc "hành động của Nga gây tổn hại rất rõ ràng đến chủ quyền của Ukraine và đi ngược lại luật pháp quốc tế".
"Chúng tôi một lần nữa chỉ trích những động thái này và cương quyết kêu gọi Nga trở lại các cuộc thảo luận ngoại giao", Kishida nói, thêm rằng các biện pháp trừng phạt của Nhật sẽ bao gồm cấm phát hành trái phiếu của Nga tại Nhật, đóng băng tài khoản ngân hàng của một số cá nhân Nga và hạn chế đi lại tới Nhật Bản. Giới tinh hoa Moskva và các ngân hàng Nga cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.
Theo Thủ tướng Nhật, chi tiết về các lệnh trừng phạt sẽ được thảo luận và công bố trong vài ngày tới. Nguồn cung năng lượng của Nhật sẽ không bị ảnh hưởng trong ngắn hạn nhờ có đủ trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Nếu giá năng lượng bắt đầu tăng, Kishida sẽ xem xét tất cả phương án có thể để ngăn điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và hộ gia đình Nhật Bản.
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trước đó đã áp lệnh trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin hôm 21.2 duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine, đồng thời ký hiệp ước hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này.
Trong sắc lệnh, Putin chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới hai khu vực để "gìn giữ hòa bình", nhưng không nói rõ quy mô và thời điểm bắt đầu nhiệm vụ. Trong cuộc họp báo tại Mosvka ngày 22.2, Putin nói rằng quyết định điều quân đến đông Ukraine "phụ thuộc vào tình hình thực địa".
Căng thẳng xung quanh Ukraine tăng nhiệt từ cuối năm ngoái, sau khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Trong những tuần qua, Mỹ liên tục phát cảnh báo Nga "sắp tấn công".
Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
(Theo Huyền Lê/VnE/Hill)