Quy Nhơn, đất lành cho khoa học, công nghệ
Quy Nhơn - Bình Ðịnh từ lâu đã nổi tiếng là đất Võ trời Văn, là thành phố biển - điểm đến du lịch xinh đẹp. Và mươi năm gần đây với tinh thần đột phá, sáng tạo Quy Nhơn - Bình Ðịnh nỗ lực thu hút để trở thành điểm đến của các nhà khoa học thế giới; đưa khoa học trở thành lực hút đầu tư lớn; đầu tư và phát triển để nghiên cứu khoa học trở thành lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị bền vững.
Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại TP Quy Nhơn. Ảnh: ICISE
Từ QL 1D theo đại lộ Khoa học - một con đường nhỏ nhưng khá đẹp - ta sẽ vào đến Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, TP Quy Nhơn. Tại đây đã mọc lên Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE), Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN), FPT Software, là nơi Tập đoàn Công nghệ TMA (TMA Tech Group) xây dựng Công viên Sáng tạo TMA (TMA Innovation Park), và nhiều đơn vị nghiên cứu khác đang bắt đầu bén rễ ở đây…
ICISE một biểu tượng mới của Quy Nhơn - Bình Định
Bắt đầu hoạt động từ năm 2013, gần mười năm nay, ICISE đã trở thành một biểu tượng mới của Quy Nhơn - Bình Định, một biểu tượng về tiên phong trong nghiên cứu khoa học. Và khi nhắc đến biểu tượng này không thể không nhắc đến hai nhà khoa học khả kính - vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc, đôi vợ chồng đã mời gọi được nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Quy Nhơn.
Tổ hợp không gian khoa học thuộc Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN).
Đến nay ICISE đã đón 5.500 nhà khoa học nổi tiếng thế giới, trong đó có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel như: GS Klaus von Klitzing (người Đức, giải Nobel Vật lý 1985), GS Jack Steinberger (người Mỹ gốc Do Thái, giải Nobel Vật lý 1988); GS David J.Gross (người Israel, giải Nobel Vật lý năm 2004); GS Georges Smoot (người Mỹ, giải Nobel Vật lý 2006) và Sheldon Lee Glashow (người Mỹ, giải Nobel Vật lý 1979). Jerome Friedman (Nobel Vật lý 1990); Gerard’t Hooft (giải Nobel Vật lý 1999); Francois Englert (Nobel Vật lý 2013); Kajita Takaaki (giải Nobel Vật lý 2015); Michel Mayor (Nobel Vật lý 2019); Kurt Wuthrich (giải Nobel Hóa học); Finn E. Kydland (Nobel Kinh tế); Jean Jouzel (Nobel Hòa bình)…
Những nhà khoa học này về Quy Nhơn để cùng nhau thảo luận, trao đổi nhiều lĩnh vực từ Vật lý, Thiên văn đến Hóa học, Kinh tế, Vũ trụ và đặc biệt là cùng truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học đến với thế hệ trẻ. Quy Nhơn - Bình Định trở thành điểm gặp gỡ lý tưởng của các nhà khoa học hàng đầu thế giới và theo thời gian, ICISE đã góp phần đưa thành phố biển lên bản đồ khoa học quốc tế.
Có thể nói thành công của ICISE đã tạo tiền đề cho nhiều tập đoàn, tổ chức, DN khoa học “bén rễ” tại thung lũng khoa học này - Khu Đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa. Mà Tập đoàn Công nghệ TMA (TMA Tech Group) là một ví dụ.
Căng buồm tiến ra đại dương
Cách đây ít lâu, TS Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Tech Group chia sẻ: Từ lâu, chúng tôi có mong muốn đóng góp cho Bình Định nói riêng, miền Trung nói chung. TMA Tech Group muốn phát đi thông điệp - Chúng ta có thể thành công ngay trên quê hương mình! Năm 2017, khi anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy; anh Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh và anh Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm vợ chồng tôi, giới thiệu về định hướng phát triển của tỉnh. Chúng tôi rất ấn tượng với tầm nhìn và tâm huyết của các lãnh đạo tỉnh - ở đó thật sự có rất nhiều đổi mới có tính đột phá. Vợ chồng tôi tin rằng đây là thời điểm hội đủ “Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa” để làm điều gì đó cho quê hương. Cũng xin nói thật, tôi rất ngưỡng mộ tâm huyết của vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc - những người đã gầy dựng thành công ICISE, vì vậy chúng tôi quyết định đầu tư với quy mô lớn - trong thời gian ngắn nhất, góp sức cùng với tỉnh xây dựng Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn trở thành trung tâm công nghệ cao tại miền Trung.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bìa phải) trò chuyện thân mật với kỹ sư trẻ là người Bình Định hiện đang làm việc tại TMA Innovation Park. Ảnh: HỒNG HÀ
Với định hướng đầu tư lâu dài về nhân lực, từ nhiều năm qua TMA Tech Group đã hợp tác với Trường ĐH Quy Nhơn và nhiều đại học khác tại miền Trung. Trung tâm Đào tạo TMA tại Bình Định (TMA Academy), dự kiến sẽ tiếp nhận và đào tạo từ 500 - 1.000 học viên mỗi năm. Ngoài ra, tới đây TMA Academy sẽ mở rộng chương trình đào tạo cho học viên miền Trung tham gia chung chương trình đặc biệt phục vụ cho nhu cầu nhân lực cao trong và ngoài nước (EU, Nhật, Úc…).
Trao học bổng Chương trình Ươm mầm tài năng Toán học và Trí tuệ nhân tạo
Trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2022 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn- Sở GD&ĐT tổ chức ngày 3.4 tại Trường ĐH Quy Nhơn, Tập đoàn Hưng Thịnh phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức trao 16 suất học bổng “Chương trình Ươm mầm tài năng Toán học và Trí tuệ nhân tạo - AI” cho học sinh, sinh viên giỏi Toán (20 triệu đồng/suất). Hoạt động này nhằm hỗ trợ phát triển cộng đồng người học có đam mê và tài năng trong lĩnh vực Toán và Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam; cũng như hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo các tài năng trẻ trong các lĩnh vực này trở thành các nhà khoa học có uy tín trong khu vực và thế giới.
Tháng 4 tới đây, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo sẽ đưa Tổ hợp Không gian khoa học vào hoạt động. Nằm trong khuôn viên của Trung tâm, Tổ hợp Không gian khoa học có diện tích 3,99 ha, gồm 3 công trình chính: Khu khám phá khoa học, Trạm quan sát thiên văn phổ thông và Khu thiếu nhi. Dự án được kỳ vọng góp phần xây dựng Quy Nhơn trở thành điểm đến thú vị cho khám phá khoa học và giáo dục khoa học.
TS Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Trung tâm Khám phá và Đổi mới sáng tạo cho biết: “Chúng tôi đang ký chương trình hợp tác với Sở Du lịch và các công ty lữ hành nhằm đưa Trung tâm trở thành một điểm đến ưu tiên và cố định trong các tour du lịch đến Bình Định. Hiện, Trung tâm đang thiết kế nhiều chương trình trải nghiệm với thời lượng, nội dung khác nhau phù hợp cho từng lứa tuổi và lựa chọn”.
***
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng có một liên tưởng thú vị, theo anh, “nhìn vóc vạc Bình Định trên bản đồ đất nước, tôi thấy có dáng một cánh buồm mở, cánh buồm ấy đã đi qua nhiều nền văn hóa rực rỡ. Miền đất Quy Nhơn với những chương trình Gặp gỡ Việt Nam và các hội nghị, hội thảo khoa học có đẳng cấp quốc tế đã trở thành thành phố độc đáo có một không hai của khu vực Đông Nam Á, khi làm nơi hội tụ các tên tuổi lớn trong diễn trình khoa học toàn cầu… “.
Bằng cách biến Quy Nhơn - Bình Định thành điểm đến của các nhà khoa học thế giới, thành đất lành cho khoa học - công nghệ bén rễ lên xanh, quả thật cánh buồm Quy Nhơn - Bình Định đang căng lên đón gió tiến ra đại dương.
Xây dựng Quy Nhơn thành điểm đến của du lịch và tri thức
Tháng 5.2018, trong chuyến công tác tại Bình Định, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - khi đó là Thủ tướng Chính phủ - đã thăm và làm việc với lãnh đạo ICISE. Thủ tướng đánh giá cao ý tưởng xây dựng đô thị khoa học tại TP Quy Nhơn và cho biết trước khi thăm ICISE ông đã nghe giới thiệu về dự án Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn, Thủ tướng đánh giá cao các ý tưởng này. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với Việt Nam - đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam - nhiều cơ hội và thách thức, Thủ tướng mong muốn ICISE phát triển bền vững, hiệu quả và có tính lan tỏa cao, là sân chơi quốc tế góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam, mong muốn tỉnh Bình Định nỗ lực hết mình để xây dựng Quy Nhơn thành điểm đến của du lịch và tri thức hàng đầu trong khu vực cũng như trên thế giới; thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học tại Quy Nhơn, đưa khoa học - công nghệ thành một trong những mũi nhọn phát triển, có nhiều đóng góp cho KT-XH.
ÐÔNG A