Tạo sinh kế cho người khuyết tật
Công tác hỗ trợ vốn để tạo sinh kế cho người khuyết tật những năm qua luôn được quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả cao. Ngày càng có thêm nhiều người khuyết tật mạnh dạn tiếp cận vốn vay, tích cực và chủ động tham gia sản xuất, tạo dựng cuộc sống độc lập, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Cải thiện cuộc sống từ vốn vay ưu đãi
Ghé cơ sở in ấn của anh Nguyễn Đăng Phúc (bị bại liệt hai chân, ở đường Quang Trung, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) đã quá trưa, thấy anh vẫn bận bịu làm việc. Cơ sở khang trang với nhiều loại máy móc hiện đại, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu về in ấn.
Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, anh Nguyễn Đăng Phúc đã mua sắm máy móc, mở rộng cơ sở, tạo được uy tín bằng chất lượng phục vụ. Ảnh: N.T
Chỉ tay vào một chiếc máy in màu khá mới, anh Phúc cho hay, đây là chiếc máy in mới nhất của cơ sở. Chiếc đầu tiên anh vay vốn Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát gần 20 triệu đồng để mua vào năm 2014. Đến nay, chiếc máy in mới nhất đã là chiếc thứ 5. Ngoài ra, anh còn mua một số loại máy móc khác liên quan. Tất cả tiền mua máy đều từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện. Liên tục từ năm 2014 đến nay, anh vay, sau hai năm theo quy định trả cả vốn lẫn lãi, rồi lại tiếp tục vay. Tháng 6.2022 sắp tới sẽ hết hạn vay, anh dự tính sẽ vay lại để mua thêm một máy in hóa đơn.
“Dịch vụ in ấn luôn đổi mới, đòi hỏi cơ sở phải liên tục nâng cấp và trang bị máy móc mới. Tôi nghĩ, nếu không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cơ sở không thể mở rộng và phát triển, cuộc sống của vợ chồng cùng hai con nhỏ theo đó cũng không thể ổn định như hiện tại”, anh Phúc chia sẻ.
Ở huyện Tuy Phước, câu chuyện mạnh dạn vay vốn, tìm hướng làm ăn, vươn lên thoát khó khăn của ông Nguyễn Văn Nông, Chi hội trưởng Chi hội Đoàn Kết đã truyền cảm hứng và tạo động lực cho rất nhiều người khuyết tật (NKT) của huyện vươn lên, cải thiện cuộc sống. Cuộc sống vất vả, ông quyết định vay vốn chăn nuôi, nhờ tính chịu khó và khéo tính toán, ông có được nguồn thu khá. Tiếp tục vay và mở rộng chăn nuôi, dần dà ông cũng xây được căn nhà, lo cho con cái ăn học đàng hoàng.
“Nhiều NKT đã làm theo tôi và cũng thành công lắm, đời sống của họ chuyển biến tốt hơn lên như anh Trần Đình Báu hay anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Phước Lộc chẳng hạn”, ông Nông cho hay.
Đảm bảo quyền lợi cho NKT
Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 24.12.2008 (ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ việc làm cho người tàn tật tỉnh Bình Định) đến nay, UBND tỉnh đã bố trí nguồn vốn cho vay đối với NKT để giải quyết việc làm hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2021, UBND tỉnh chuyển 2,5 tỷ đồng qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh; Chi nhánh tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị, địa phương rà soát đối tượng là NKT cùng nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
“Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tiến hành cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng. Qua vay vốn, các hộ đã sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ, kịp thời theo quy định”, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Quốc Quân thông tin.
Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, trong năm 2021, doanh số cho vay được hơn 3 tỷ đồng với 107 NKT vay vốn, chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, một số trồng cây cảnh, làm nghề tráng bánh, làm bún, nghề điện tử, điện dân dụng... Qua khảo sát, các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Tổng dư nợ đến ngày 31.3.2022 đạt hơn 4 tỷ đồng với 146 người còn dư nợ.
Sở LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện Quyết định 1190/ QĐ-TTG ngày 5.8.2020 của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030), Sở đã trình UBND tỉnh đề xuất chuyển 1,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng CSXH cho NKT vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang nỗ lực hết sức để mọi NKT có nhu cầu đều có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi tham gia sản xuất, tạo dựng công ăn việc làm, có cuộc sống độc lập, tự tin, vươn lên hòa nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương”, Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Nguyễn Mỹ Quang chia sẻ.
Đón nhận thông tin về nguồn vốn vay sắp tới, ông Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, phấn khởi cho biết, đa số hội viên, người mù đều mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp này.
“Qua khảo sát, những năm qua, nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả rất tích cực, bản thân người mù cũng ý thức cao trong việc đáo hạn đúng quy định, giữ uy tín để có thể tiếp tục được xem xét cho vay lại”, ông Thanh khẳng định.
NGỌC TÚ