Nâng cao chất lượng vườn cây đầu dòng
Nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng trong tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu xuất khẩu giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, tỉnh Bình Ðịnh đang tập trung đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng từ các vườn cây đầu dòng trên địa bàn.
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 167 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp; có 169 nguồn giống cây đầu dòng - chủ yếu là keo lai với tổng diện tích hơn 45 ha trong thời gian được công nhận (thời gian công nhận vườn cây đầu dòng là 36 tháng). Kết quả khảo sát cho thấy hiện nay, chủ rừng ở Bình Định chủ yếu chọn các giống keo lai dòng BV và AH. Các dòng keo lai này khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ sâu bệnh thấp. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng giống kém chất lượng xuất hiện, một số dòng keo AH bắt đầu xuất hiện sâu bệnh… ảnh hưởng tới công tác phát triển rừng trồng.
Từ thực tế đó, ngành Nông nghiệp nhận định, yêu cầu cấp thiết hiện nay là quản lý chặt chẽ từ các vườn cây đầu dòng. Việc nâng cao chất lượng vườn cây đầu dòng sẽ giải quyết được những vấn đề như hạn chế tình trạng giống kém chất lượng, giống sâu bệnh; về lâu dài xây dựng được bộ giống tốt phục vụ trồng rừng theo hướng bền vững, trồng rừng gỗ lớn đạt yêu cầu để được cấp chứng chỉ FSC…
Đến nay, Hoài Ân là một trong các địa phương có diện tích rừng trồng lớn của tỉnh. Toàn huyện có 20 cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống cây lâm nghiệp, cung cấp ra thị trường từ 9 - 10 triệu cây/năm. Ngoài phục vụ nhu cầu trồng rừng của bà con trong huyện, các cơ sở xuất bán cho thị trường ngoài tỉnh. Ông Hoàng Anh Thiện, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Hoài Ân, đánh giá: “Về cơ bản, chất lượng giống cây keo của các đơn vị trên địa bàn huyện đảm bảo chất lượng, tuy nhiên thời gian qua ghi nhận tình trạng một số diện tích rừng trồng keo lai có hiện tượng cây chết đứng, mà nguyên nhân là do giống đầu vào chưa chuẩn. Trong lộ trình phát triển rừng trồng bền vững, định hướng xây dựng các mô hình rừng gỗ lớn, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Hạt kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra các vườn cây đầu dòng được công nhận đúng quy định, các cơ sở sản xuất; đồng thời tuyên truyền cho các chủ rừng nên lựa chọn giống từ các cơ sở uy tín nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất. Địa phương vừa chủ động triển khai công tác quản lý, vừa chờ hướng dẫn cụ thể của ngành chức năng trong việc quản lý chất lượng vườn cây đầu dòng cho phù hợp”.
Hạt kiểm lâm huyện Vân Canh kiểm tra cơ sở sản xuất giống lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tương tự, theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm Vân Canh, toàn huyện có 48 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đủ điều kiện hoạt động; có 38 nguồn giống với diện tích hơn 15 ha trong thời gian được công nhận. Nhằm nâng cao chất lượng giống, bên cạnh hoạt động thanh, kiểm tra, Hạt chú trọng vào hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở và chủ rừng thực hiện đúng các quy định về nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp. Đồng thời, định kỳ thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, đánh giá thực hiện công nhận các vườn cây đầu dòng. Cái khó hiện nay là công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp ở địa phương chưa có sự chỉ đạo đồng bộ từ chính quyền địa phương và đơn vị kiểm lâm.
Trước tình hình đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, chú trọng vào các giải pháp quản lý chất lượng từ các vườn cây đầu dòng trên địa bàn tỉnh. Để có cơ sở đề xuất các giải pháp trong quản lý chất lượng từ các vườn cây đầu dòng, Sở NN&PTNT “đặt hàng” cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Vĩnh Thạnh) nghiên cứu đề tài khoa học liên quan tới thực trạng chất lượng các vườn cây đầu dòng, đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp trong quản lý nâng cao chất lượng các vườn cây đầu dòng, từ đó tạo ra được nguồn cung cấp giống cây lâm nghiệp chất lượng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết: “Qua khảo sát thực hiện đề tài, bước đầu chúng tôi đưa ra một số dữ liệu quan trọng gồm: Bộ ngân hàng giống, giống cây keo chủ lực trên địa bàn Bình Định; năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất giống; nhu cầu của người trồng rừng trong tỉnh và thị trường ngoài tỉnh. Cùng với đó, Công ty xây dựng mô hình vườn keo đầu dòng tiêu chuẩn với các giống BV75, BV33, AH1, X201, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8760 -1:2017 về giống cây lâm nghiệp, tạo cơ sở để nhân rộng mô hình vườn cây đầu dòng đúng chuẩn trong thời gian tới”.
THU DỊU