Phát triển đô thị xanh, bền vững
Bình Định có tốc độ đô thị hóa cao hơn bình quân chung cả nước, song cũng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết về phát triển đô thị, kinh tế đô thị, chất lượng sống.
Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, đến nay tỉnh Bình Định có hệ thống gồm 20 đô thị: 1 đô thị loại I (TP Quy Nhơn); 1 đô thị loại III (TX An Nhơn); 2 đô thị loại IV (TX Hoài Nhơn; thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) và 16 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 46,1%, cao hơn mức trung bình toàn quốc (40,4%).
Hai kịch bản định hướng phát triển đô thị
Cụ thể định hướng phát triển đô thị của tỉnh sẽ như thế nào, thưa ông?
- Với quan điểm “quy hoạch đi trước một bước”, tỉnh ta đặc biệt quan tâm quy hoạch đô thị. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX khẳng định phát triển kinh tế của tỉnh tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và các khâu đột phá, trong đó có “phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa”.
Chúng ta tập trung triển khai thực hiện quy hoạch chung (điều chỉnh) xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận; tiếp tục đầu tư phát triển TX An Nhơn, Hoài Nhơn theo hướng chuẩn đô thị loại III, huyện Tây Sơn đạt đô thị loại IV và phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh. Phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội theo quy hoạch (điều chỉnh) thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản…
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, định hướng đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 45,3% trở lên. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chúng ta đã đạt tỷ lệ 46,1%, đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của các địa phương. Về phát triển đô thị trong thời gian tới, Sở Xây dựng đã tham gia góp ý và đề xuất 2 kịch bản định hướng phát triển đô thị sau năm 2030, định hướng đến năm 2040 vào quy hoạch tỉnh Bình Định.
Vậy mô hình đô thị nào được lựa chọn để đảm bảo cho phát triển đô thị bền vững?
- Với điều kiện đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, KT-XH và các quy hoạch cùng thực tiễn đã được xác định đến hôm nay, tôi cho rằng mô hình hệ thống đô thị của tỉnh Bình Định đảm bảo phát triển bền vững là kết hợp giữa đô thị tuyến và chùm đô thị.
Có 2 tuyến đô thị được xác định là tuyến dọc trục Bắc - Nam (Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, đang phát triển mạnh đối với Tuy Phước, tầm nhìn phát triển đô thị đối với huyện Phù Cát và Phỳ Mỹ), tuyến theo trục Đông - Tây (Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn); giao thoa 2 tuyến đô thị tạo thành chùm đô thị phía Nam tỉnh. Theo đó, Quy Nhơn, Hoài Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước sẽ là các đô thị trọng điểm, đứng đầu là Quy Nhơn.
Với mô hình và định hướng phát triển như trên, hệ thống đô thị tỉnh phải đảm bảo 3 mục tiêu, chiến lược như sau:
Một là, việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị phải bảo tồn, phát huy tối đa đặc trưng tự nhiên hiện có để phục vụ các lợi ích cộng đồng, xây dựng bản sắc đô thị; nâng cao chất lượng sống của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới các nhu cầu phát triển của thế hệ tương lai.
Hai là, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị đồng bộ, hiện đại gắn với các mục tiêu phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao chất lượng đô thị.
Ba là, phát triển hệ thống đô thị phải đảm bảo mục tiêu một trong 5 trụ cột phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là “phát triển kinh tế - đô thị gắn với quá trình đô thị hóa”.
Theo ông, Bình Định đã tận dụng được lợi thế nào trong quy hoạch không gian, phát triển đô thị theo hướng không gian kinh tế - đô thị biển…?
- Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 xác định mục tiêu phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng bền vững, giữ gìn sinh thái môi trường và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc khai thác, kinh doanh không gian đô thị dọc biển sẽ tạo ra nguồn lực kinh tế lớn trên nền tảng xây dựng Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển, tạo sức lan tỏa đến hệ thống đô thị toàn tỉnh và vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội làm động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH. Bình Định đã và đang xây dựng “cung đường nghìn tỷ” ven biển từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn và những con đường kết nối các khu công nghiệp, sân bay, trung tâm đô thị từ phía Tây chạy về phía biển với kỳ vọng sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển.
Chất lượng phát triển đô thị rất quan trọng
Trong phát triển đô thị, quan trọng là phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tốc độ đô thị hóa đi đôi phát triển kinh tế đô thị…
- Phát triển đô thị tại Bình Định đặt trên quan điểm đô thị hóa nhanh song chất lượng mới là quan trọng. Trên cơ sở Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035, Sở Xây dựng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị toàn tỉnh. Khu vực phát triển các đô thị gắn với phát triển đô thị bền vững, phát triển đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị nhằm đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa và phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.
TP Quy Nhơn dành nhiều quỹ đất cho cây xanh, công viên công cộng. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh rà soát quy hoạch xây dựng vùng tỉnh để cập nhật hệ thống đô thị của tỉnh vào quy hoạch tỉnh cho phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển đô thị và đô thị hóa trên địa bàn tỉnh; rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng rà soát điều chỉnh Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 cho phù hợp với tình hình phát triển đô thị của tỉnh Bình Định.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng, vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?
- Các dự án phát triển đô thị được triển khai đã có kết quả, tạo nên diện mạo mới, bản sắc cho các đô thị An Nhơn, Hoài Nhơn, làm cơ sở xúc tiến kêu gọi đầu tư, thu hút các nguồn vốn xã hội hóa.
Tuy nhiên, công tác phát triển đô thị còn một số tồn tại, hạn chế. Nguồn vốn đầu tư cho đô thị còn hạn chế nên việc phát triển hạ tầng khung, hạ tầng đầu mối tại các đô thị chưa đồng bộ. Hiện tại chúng ta chỉ mới đủ điều kiện tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khác như cấp nước, thoát nước, thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn... chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Một số đô thị loại V chưa phát triển đồng bộ, đạt chất lượng.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát các tiêu chí hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội để đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, công trình trọng điểm đảm bảo kết nối hệ thống đô thị toàn tỉnh; quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.
2 kịch bản phát triển đô thị sau năm 2030, định hướng đến năm 2040
Phấn đấu tỉnh Bình Định là thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 7 quận (Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát) và 4 huyện (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân).
Phấn đấu toàn tỉnh có 17 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I (TP Quy Nhơn); 2 đô thị loại II (TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn); 1 đô thị loại III (TX Tây Sơn); 3 đô thị loại IV (huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát); 10 đô thị loại V (trong đó có 3 đô thị loại V hình thành mới).
Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG