THÂM CANH CÂY ĐẬU PHỤNG KẾT HỢP TƯỚI TIẾT KIỆM, GẮN VỚI LIÊN KẾT CHUỖI:
Hiệu quả cao, ổn định
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình “Thâm canh đậu phụng gắn liên kết chuỗi có sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm” tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và Phù Cát (mỗi huyện 1 điểm trình diễn, mỗi điểm có tổng diện tích là 3 ha).
Đây là mô hình công nghệ cao được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư và chuyển giao một số giải pháp kỹ thuật cho nông dân.
Nhờ sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, nước tưới cung cấp cho cây đậu phụng đủ nhu cầu, kịp thời, đồng đều, tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó, năng suất thu hoạch đạt từ 36,5 - 43 tạ/ha, cao hơn so với ruộng ngoài mô hình từ 2 - 2,35 tạ/ha. Lợi nhuận sản xuất đậu phụng mô hình cao hơn so với đối chứng từ 8 - 9 triệu đồng/ha.
Hệ thống tưới nước tiết kiệm áp dụng cho mô hình thâm canh đậu phụng ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình, việc sử dụng hệ thống tưới giúp bà con tiết kiệm được chi phí và thời gian, lượng nước tưới ít hơn nhưng độ đồng đều cao hơn, cách vận hành hệ thống tưới cũng tương đối đơn giản. Đặc biệt, việc xây dựng mô hình gắn liên kết chuỗi đã giúp bà con an tâm sản xuất, thu nhập ổn định hơn.
Từ kết quả mô hình cho thấy, việc áp dụng tổ hợp nhiều giải pháp vào sản xuất tạo được mối gắn kết giữa người sản xuất, vùng nguyên liệu với cơ sở tiêu thụ. Tuy đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng hiệu quả cao, ổn định và bền vững, làm tăng giá trị của sản phẩm, giảm rủi ro giai đoạn cuối, tạo an tâm cho người dân khi sản xuất.
THÀNH NGUYÊN