QUY ÐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC:
Rõ trách nhiệm, hướng đến thống nhất, hiệu quả
Từ ngày 15.4.2022, Quyết định số 10/2022/QÐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh chính thức có hiệu lực. Sở Nội vụ đã hướng dẫn một số vấn đề cụ thể của quy định này để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.
Quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh (sau đây gọi là Quy định PCQLCB) có 3 chương, 12 điều. Nội dung quản lý gồm: Tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức, công chức cấp xã; ngạch, chức danh nghề nghiệp và chế độ tiền lương; đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ chức vụ; đánh giá, xếp loại chất lượng; chế độ, chính sách...
Quy định PCQLCB đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong việc quản lý CBCCVC.
- Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (thứ hai từ trái sang) trao Quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Sở Ngoại vụ Võ Thị Như Hiền giữ chức Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ từ tháng 4.2022. Ảnh: H.T
Quy định PCQLCB thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phân cấp quản lý cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm quản lý CBCCVC của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện nhằm phát huy tính chủ động, đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý CBCCVC. Tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đi đôi với thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong quản lý CBCCVC, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Theo Sở Nội vụ, Quy định PCQLCB đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong việc quản lý CBCCVC; gắn việc phân cấp quản lý với cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm giao việc cho các cấp được giải quyết kịp thời, đạt hiệu quả tốt hơn. Sở Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy định PCQLCB. Thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, các sở, đơn vị, địa phương đang xây dựng hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quản lý CBCCVC thuộc thẩm quyền phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế.
Qua ghi nhận ý kiến chung, Quy định PCQLCB và hướng dẫn thực hiện Quy định PCQLCB thể hiện rõ các nội dung để thực hiện. Chẳng hạn, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc UBND tỉnh tự tổ chức tuyển dụng viên chức của đơn vị và chịu trách nhiệm về kế hoạch, chỉ tiêu và kết quả tuyển dụng. Còn đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên trực thuộc UBND tỉnh thì tổ chức tuyển dụng viên chức sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ về kế hoạch và chỉ tiêu tuyển dụng (Sở Nội vụ không thẩm định kết quả tuyển dụng).
Về trách nhiệm của Sở Nội vụ, ngoài tham mưu, thẩm định trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung về quản lý CBCCVC theo thẩm quyền, còn có trách nhiệm với các nội dung cụ thể về: Quản lý tuyển dụng; quản lý ngạch, chức danh nghề nghiệp và chế độ tiền lương; quản lý bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ chức vụ và chính sách khác…
Theo ông Lê Đức Thành, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện An Lão, thực hiện Quy định PCQLCB tạo nhiều thuận lợi như tăng cường quyền lực, đề cao trách nhiệm của UBND cấp huyện và người đứng đầu UBND cấp huyện; phát huy tính chủ động, rút ngắn thời gian, trình tự thủ tục giải quyết các chính sách đối với CBCCVC. Đối với CBCCVC và cán bộ, công chức cấp xã thuộc thẩm quyền quản lý, UBND cấp huyện trực tiếp thực hiện, quyết định nhiều nội dung công việc không qua thỏa thuận của Sở Nội vụ hoặc UBND tỉnh như trước.
Chẳng hạn, về quản lý tuyển dụng, UBND cấp huyện thực hiện tuyển dụng công chức cấp xã; về thăng hạng chức danh nghề nghiệp, xây dựng đề án và tổ chức xét hoặc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức hạng III, IV; về kỷ luật, được quyền quyết định mọi hình thức kỷ luật đối với CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý...
HOÀI THU