Tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện, phát triển toàn diện
Luân chuyển cán bộ có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong công tác cán bộ. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Giờ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy - về một số vấn đề liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ.
● Xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện công tác luân chuyển cán bộ của Đảng bộ tỉnh trong thời gian gần đây, cùng những hạn chế, vướng mắc chủ yếu?
- Tính từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luân chuyển 12 lượt cán bộ; trong đó, luân chuyển 4 cán bộ từ khối Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh sang các cơ quan HĐND tỉnh, UBND tỉnh; luân chuyển 2 cán bộ từ tỉnh về huyện, 1 cán bộ từ huyện về tỉnh; luân chuyển 5 cán bộ lãnh đạo cấp phòng của các ban, sở, ngành về huyện để đào tạo thực tế.
Lãnh đạo các ban, sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã luân chuyển 89 lượt cán bộ là cấp trưởng, phó phòng trong cơ quan, đơn vị.
Đối với cấp huyện, ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy và thành ủy đã thực hiện luân chuyển 108 lượt cán bộ. Trong đó, luân chuyển 81 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã; luân chuyển ngang giữa các phòng, ban trong huyện 13 cán bộ; luân chuyển 14 cán bộ từ cấp xã về cấp huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quy định của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ trong những năm qua còn một số hạn chế, vướng mắc.
Cụ thể, việc luân chuyển cán bộ mới chỉ thực hiện trong phạm vi một địa phương (cấp huyện), một ngành; luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, giữa các ngành và giữa cán bộ làm công tác Đảng, Mặt trận, các đoàn thể với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước còn ít nên chưa phát huy được sức mạnh của cả đội ngũ, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ.
Việc thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không là người địa phương còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ luân chuyển của cơ quan quản lý cán bộ chưa được thực hiện thường xuyên.
● Ngày 28.4.2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ. Xin đồng chí cho biết quy định này có những điểm nào đáng chú ý?
- So với Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7.10.2017 về luân chuyển cán bộ (QĐ 98), Quy định số 65-QĐ/TW (QĐ 65) có 3 điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, QĐ 65 thay đổi phạm vi luân chuyển, cho phép luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị.
Thứ hai, đối tượng luân chuyển theo QĐ 98 là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, trong quy hoạch của địa phương, cơ quan, đơn vị. Còn QĐ 65 mở rộng hơn, gồm: Cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị (gồm bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng viện KSND và cấp trưởng các ngành CA, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện).
Thứ ba, khái niệm “người địa phương” theo QĐ 65 là người có quê quán ở địa phương đó (trừ trường hợp có quê quán ở địa phương đó nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương khác) hoặc là người có quê quán ở địa phương khác nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương đó. Trước đó, theo QĐ 98, người địa phương được hiểu là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó hoặc là người đã học tập, công tác từ 20 năm trở lên ở địa phương đó.
● Vậy, nội dung nào mới, mang tính đột phá từ QĐ 65 góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua, thưa đồng chí?
- Thứ nhất, QĐ 65 xác định rõ mục đích, yêu cầu của luân chuyển cán bộ là: Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ.
Sau khi được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Xây dựng vào tháng 8.2021, ông Nguyễn Văn Khánh (thứ 2 từ trái sang) được luân chuyển về huyện Tây Sơn, được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện. Ảnh: N.V.T
Đồng thời, kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, người đứng đầu không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Ngoài ra, QĐ 65 có những nội dung cụ thể, tập trung hơn. Ví dụ như ở QĐ 98, “cán bộ trẻ” được nhắc tới nhiều lần, còn QĐ 65 không còn dùng cụm từ “cán bộ trẻ” nữa.
Thứ hai, QĐ 65 xác định luân chuyển cán bộ là để “tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch”; không còn nhấn mạnh lấy kết quả luân chuyển cán bộ “làm cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ” như QĐ 98.
Thứ ba, QĐ 65 xác định rõ trách nhiệm của cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển cán bộ; cơ quan nơi đi chịu trách nhiệm nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất đi luân chuyển; cơ quan nơi đến phải chấp hành nghiêm quyết định về luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền. Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến. Các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tham gia thẩm định, thẩm tra, rà soát đối với nhân sự luân chuyển theo chức năng, nhiệm vụ...
● Với chức năng, nhiệm vụ của mình, xin đồng chí cho biết Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ có hoạt động cụ thể gì để sớm đưa Quy định số 65-QĐ/TW vào thực tế công tác cán bộ ở tỉnh?
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ sớm tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh và xây dựng kế hoạch thực hiện theo QĐ 65 với những giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn, mang tính khả thi cao.
Đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 05-KH/TU ngày 6.8.2021 về luân chuyển, điều động, sắp xếp bí thư cấp ủy không là người địa phương và luân chuyển cán bộ để đào tạo thực tế nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiệm kỳ tiếp theo; phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025, 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, không có cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
● Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)