Ngăn ngừa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật: Trách nhiệm của cả cộng đồng
Thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu tội phạm. Để phòng ngừa hiệu quả, cần trách nhiệm của cả cộng đồng.
Báo động
Theo CA tỉnh, tình hình thanh, thiếu niên (TTN) vi phạm pháp luật tuy được kiểm soát, song có lúc, có nơi vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng TTN sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Tội phạm “trẻ hóa” đang trở thành thực trạng xã hội đáng báo động.
Theo các ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TTN phạm tội, vi phạm pháp luật như: Thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu sự quản lý, quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhàtrường; lực lượng CA có lúc, có nơi chưa bám sát địa bàn, một bộ phận nhân dân chưa mạnh dạn đấu tranh, tố giác tội phạm, nhất là các băng, nhóm trong lứa tuổi TTN. Song, nguyên nhân chủ yếu vẫn từ phía gia đình, do cha mẹ quá nuông chiều, ít quan tâm hoặc không quan tâm đến con cái.
CSGT truyền thông Luật Giao thông đường bộ cho học sinh huyện Tuy Phước. Ảnh: K.A
Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát HĐND tỉnh với CA tỉnh về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong TTN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 ngày 24.5, thượng tá Trần Ngọc Phước, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), phân tích: “Các vụ án cố ý gây thương tích, giết người do TTN gây ra chủ yếu xuất phát từ việc có mâu thuẫn rồi hẹn nhau giải quyết. Chủ đích ban đầu không hẳn là đánh giết nhau, nhưng hậu quả lại dẫn đến chết người. Trên thực tế, nhiều TTN sau khi gây án bị bắt giam, gia đình không đến thăm non, động viên mà chủ yếu là đồng bọn của các đối tượng đến thăm. Từ đó, dễ khiến các đối tượng sau khi tái hòa nhập dễ dàng sa ngã”.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Viện KSND tỉnh), nói: “Tội phạm chưa thành niên đa phần phạm tội do bị xúi giục, lôi kéo, kích động, hành động mà không cần suy nghĩ tới hậu quả. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, không gian mạng được kết nối đa chiều, nhiều thông tin bổ ích, tích cực đan xen với các thông tin xấu, độc hại, tiêu cực “tấn công” trong khi gia đình buông lỏng quản lý, khiến các em bị lung lay, lệch chuẩn”.
Trách nhiệm của cả cộng đồng
Hành vi vi phạm pháp luật từ hành chính đến hình sự trong lứa tuổi TTN rất đa dạng, từ không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe máy điện đến mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thậm chí là giết người. Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát HĐND tỉnh với CA tỉnh, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để đưa ra những giải pháp cụ thể hạn chế vi phạm pháp luật trong TTN.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hồng Sơn cho rằng, đây là trách nhiệm, nhiệm vụ chung của các ngành, các cấp chứ không riêng của ai. Song, từng cấp, ngành, hội đoàn thể cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ. “CA tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương, nhất là CA xã phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý giáo dục TTN tại cộng đồng, các trường hợp đang thi hành án treo hay mãn hạn tù về địa phương để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, có hướng xử lý kịp thời vấn đề phát sinh”, ông Sơn nói.
Theo đại tá Đặng Hồng Thọ, Phó Giám đốc CA tỉnh, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ở lứa tuổi TTN, các cấp, ngành, toàn thể xã hội và mỗi gia đình cần đặc biệt quan tâm giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho TTN. Lãnh đạo CA tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo CA các địa phương tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức, gọi hỏi răn đe số đối tượng nổi, TTN chậm tiến. Phối hợp các cấp, các ngành và chính quyền địa phương tổ chức xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình về quản lý giáo dục TTN tại cộng đồng; tổ chức các diễn đàn tìm hiểu pháp luật trong TTN dưới nhiều hình thức; mở các đợt cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm do TTN gây ra.
Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, định hướng cho các em lý tưởng sống tốt đẹp; cung cấp những kỹ năng sống cần thiết để các em tự bảo vệ bản thân, nhận biết và tránh xa môi trường dễ phát sinh tệ nạn xã hội, tiêu cực, không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Các bậc cha mẹ thường xuyên phối hợp với nhà trường để quản lý thời gian học hành, sinh hoạt của các con; dành thời gian quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ với con, bởi đây là giai đoạn trẻ dễ mắc những sai lầm không đáng có.
KIỀU ANH