Tỉnh táo trước luận điệu chống phá chính sách đất đai của Việt Nam
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa kết thúc, các đối tượng phản động lại tung ra luận điệu sai trái, lệch lạc nhằm chống phá Ðảng, Nhà nước, nhất là chính sách đất đai của Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Hội nghị lần thứ 5, Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định: Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ảnh: thanhnien.vn
Quyền sử dụng đất không phải là quyền sở hữu
Về vấn đề đất đai, phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông tin: Trung ương cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI theo hướng tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
“Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng - an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển KT-XH theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất “công bằng, hiệu quả và bền vững”.
Trung ương Đảng cũng khẳng định: Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.
Theo Tổng Bí thư, trên cơ sở thống nhất về nhận thức, Trung ương đã đi sâu phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai. Trong đó, quan trọng trước hết là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay.
Thông tin lệch lạc, bóp méo sự thật
Đã thành “thông lệ”, khi Đảng, Nhà nước Việt Nam tiến hành bất kỳ sự kiện chính trị quan trọng nào, các đối tượng chống phá lại giở giọng xuyên tạc. Liên quan đến Hội nghị Trung ương 5, một số kênh truyền thông có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam như BBC tiếng Việt, Đài Á châu tự do (RFA), Đài VOA… cùng các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, đã đăng tải nhiều bài viết có thông tin lệch lạc, đánh giá chủ quan, thiếu căn cứ, tạo sự nhiễu loạn trong dư luận.
Trong đó, chiêu trò chủ yếu vẫn là đào sâu những bất cập, hạn chế liên quan đến quản lý đất đai, thổi phồng những vi phạm về đất đai được phát hiện, xử lý gần đây, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Đồng thời, đưa ra những quan điểm sai trái, bóp méo sự thật với tham vọng kích động mâu thuẫn trong xã hội, tạo khoảng cách giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước trong cách nhìn nhận về sở hữu đất đai.
Chẳng hạn, Đài RFA rêu rao: “Việc tổng kết chính sách đất đai có thể gây chú ý nhưng không tạo hiệu quả thay đổi vì cơ bản vẫn đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý”... Còn trên trang facebook của tổ chức phản động Việt Tân có bài đăng với nguồn dẫn của “Nguyễn Thông” có đoạn: “Đất đai ở đất nước này do con người khai phá mở mang tạo lập là thuộc sở hữu tư nhân... Xác quyết sở hữu toàn dân thực chất là cuộc cướp đất công khai, cướp tài sản nước mắt mồ hôi của dân chúng”.
Về bản chất, những luận điệu do các đối tượng phản động tung ra hoàn toàn không phải vì mục đích hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai. Ngược lại, cái đích mà chúng hướng đến là thu hẹp, tiến tới loại trừ vai trò của Nhà nước trong quản lý đất đai, xa hơn là làm thay đổi bản chất xã hội, đánh chệch hướng XHCN mà Việt Nam đang theo đuổi.
Thêm lần nữa phải khẳng định rằng: Mục tiêu cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Với bất kỳ một luật nào, quá trình xây dựng đều có sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, được sự đồng thuận của nhân dân.
Trước những luận điệu lạc lõng kể trên, mọi người cần cảnh giác, tránh mơ hồ, nhầm lẫn khái niệm. Từng người dân có nhận thức đúng đắn, cách nhìn khách quan, chân xác về đất đai và quản lý đất đai sẽ góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
MAI LÂM