Cải cách hành chính chuyển biến tích cực, người dân thêm hài lòng
Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 của tỉnh đều tăng so với năm 2020 là tín hiệu tích cực đáng ghi nhận.
Điểm sáng cải cách thủ tục hành chính
Theo kết quả công bố, chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 của tỉnh Bình Định đạt 86,7%, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố; tăng 2,73 điểm và tăng 1 bậc so với năm 2020. Tỉnh tăng hạng ở 4/8 lĩnh vực so với năm 2020, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính (đứng vị trí 35/63, tăng 5 bậc); xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (37/63, tăng 6 bậc); cải cách thủ tục hành chính (31/63, tăng 31 bậc); cải cách tổ chức bộ máy hành chính (46/63, tăng 14 bậc).
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính của tỉnh. Ảnh: M.LÂM
Nổi bật nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) khi đạt 12,96/13,5 điểm (đạt 96,02%, cao hơn 0,87% so với giá trị trung bình cả nước). Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2021 ghi nhận 34/63 tỉnh, thành có chỉ số thành phần cải cách TTHC tăng cao hơn so với năm 2020, trong đó tăng cao nhất là Bình Định (13,48%).
Nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần cải cách TTHC của tỉnh đạt điểm tối đa như: Thực hiện quy định về ban hành TTHC theo thẩm quyền; xử lý các vấn đề phát hiện qua rà soát TTHC; công bố TTHC và danh mục thủ tục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ TTHC thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận một cửa; số TTHC hoặc nhóm TTHC được giải quyết theo hình thức liên thông cùng cấp, giữa các cấp chính quyền…
Đáng chú ý, kết quả giải quyết TTHC của tỉnh bị trừ rất ít điểm. Trong năm 2021, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,69% (trừ 0,0047 điểm); của UBND cấp huyện đạt 98,7% (trừ 0,0196 điểm), của UBND cấp xã đạt 98,71% (trừ 0,0129 điểm).
Qua kết quả chỉ số PAR INDEX năm 2021, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến 3 lĩnh vực giảm điểm, giảm vị trí, gồm: Cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức
Một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá chung về Chỉ số PAR INDEX và tác động của cải cách hành chính đến sự phát triển KT-XH của tỉnh là kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).
Tỉnh Bình Định có Chỉ số SIPAS năm 2021 đạt 87,67%, xếp hạng 23/63 tỉnh, thành (tăng 6 bậc so với năm 2020). Theo Sở Nội vụ, bên cạnh những điểm tích cực, kết quả 5 chỉ số thành phần của SIPAS cho thấy vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Cụ thể, chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ hành chính công đạt 90,16%, cao hơn giá trị trung bình chung của cả nước (88,66%); tuy nhiên, qua kết quả khảo sát, tỷ lệ người dân, tổ chức được tiếp cận thông tin qua mạng internet còn thấp (đạt 18,75%).
Chỉ số hài lòng về TTHC đạt 89,52%, cao hơn giá trị trung bình chung (88,48%); nhưng tỷ lệ người dân, tổ chức được biết thông tin về TTHC qua mạng internet còn thấp (chỉ 12,75%).
Chỉ số hài lòng về công chức giải quyết TTHC đạt 87,18%, thấp hơn giá trị trung bình chung (88,25%). Qua khảo sát, mặc dù người dân, tổ chức không bị gây phiền hà, sách nhiễu hoặc gợi ý nộp thêm tiền ngoài khoản phí, lệ phí theo quy định, nhưng tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần vẫn còn diễn ra (4 lần: 1,5%; trên 4 lần: 0,25%).
Chỉ số hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công, kết quả giải quyết TTHC đạt 90,78%, cao hơn giá trị trung bình chung (89.52%). Song, khảo sát cho thấy còn những hạn chế như: Việc ghi giấy hẹn tại các bộ phận một cửa chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định, vẫn còn tình trạng công chức “hẹn miệng” thay vì viết giấy hẹn trả kết quả theo quy định.
Ngày 26.5, Sở Nội vụ có báo cáo về Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2021. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long, trên cơ sở phân tích các nội dung có liên quan đến kết quả các chỉ số của tỉnh, các nội dung cần khắc phục để nâng cao các chỉ số trong thời gian đến là: Các sáng kiến, giải pháp mới trong công tác CCHC còn ít; chưa kịp thời xử lý các văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị; chưa thường xuyên rà soát, cập nhật các TTHC trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và trên website các cơ quan, đơn vị; công tác khắc phục các tồn tại, hạn chế sau thanh tra, kiểm tra về phân cấp chưa được quan tâm theo dõi; vẫn còn một số cơ quan, địa phương không chấp hành đúng quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính; cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
Cùng với đó là tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến chưa đạt yêu cầu; số lần đi lại để giải quyết TTHC từ 4 lần trở lên của người dân, tổ chức vẫn còn; việc thực hiện xin lỗi đối với những hồ sơ giải quyết TTHC bị trễ hẹn chưa được thực hiện nghiêm túc…
HOÀI THU