Đền tội vì xem con người như... hàng hóa
Ngày 27.5, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Tấn Đạt (SN 1993, huyện Tuy Phước) cùng đồng phạm phạm tội mua bán người và bắt giữ người trái pháp luật đã khép lại với những bản án hết sức nghiêm minh.
Vụ án xuất phát từ việc T.T.M.D. (huyện Phù Cát) nợ 6,8 triệu đồng; làm tiếp viên karaoke cho Đạt và vợ là Huỳnh Thị Diễm Hồng (SN 1994, TP Quy Nhơn) để trả nợ. Nhưng sau đó, D. không chịu tiếp khách theo yêu cầu, bỏ đi chơi nên rạng sáng 26.11.2018, Hồng, Đạt rủ Văn Võ Công Hậu (SN 1994, TP Quy Nhơn), Võ Thanh Duy (SN 1993, huyện Tuy Phước) là 2 nhân viên của mình đi tìm và bắt D. đưa lên ô tô chở về một khách sạn thuộc phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn.
Tại đây, D. bị Hồng đánh đập và yêu cầu trả nợ. Lúc này vợ chồng Đạt, Hồng bàn bạc đẩy D. đi chỗ khác vì D. không có tiền trả nợ và lười “làm việc”. Sau đó, Đạt gọi cho Đỗ Văn Tượng (SN 1976, huyện Tuy Phước) trao đổi về việc D. đang nợ vợ chồng Đạt 20 triệu đồng, nếu Tượng nhận D. về làm tiếp viên cho quán Tượng thì phải trả cho Đạt 20 triệu đồng; Tượng đồng ý.
Sau khi thỏa thuận xong, vợ chồng Hồng, Đạt dùng ô tô chở D. đến địa chỉ 90/3 Quang Trung (phường Bình Định, TX An Nhơn) giao cho Vũ Cao Nguyên (SN 1990, ở tỉnh Kon Tum, nhân viên của Tượng); Nguyên đưa cho vợ chồng Đạt 20 triệu đồng theo sự chỉ đạo của Tượng.
Tại tòa, các bị cáo Đạt, Hồng, Duy, Hậu thành khẩn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Ngược lại, Tượng cho rằng mình không chỉ đạo Nguyên đưa 20 triệu đồng cho vợ chồng Đạt; lớn tiếng cho rằng mình không liên quan gì trong chuyện này. Trong khi đó, Nguyên ngụy biện: “Sở dĩ đưa tiền cho vợ chồng Đạt là vì có quen biết với bị hại. Khi bị hại cần thì giúp thôi”. Tuy nhiên, trên thực tế, bị hại D. không hề quen biết Tượng, Nguyên; D. bị nhóm Đạt, Hồng bắt đưa đến quán karaoke của Tượng là do vợ chồng Đạt định đoạt; bị hại cũng không tự nguyện đến làm tiếp viên cho quán karaoke của Tượng.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: K.A
Pháp luật Việt Nam quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác thực hiện việc chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là phạm tội mua bán người. Vậy nên, hành vi của Đạt, Hồng phạm tội “mua bán người” với tình tiết “chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” theo Điểm a Khoản 1 Điều 150 Bộ luật Hình sự. Tượng, Nguyên phạm tội “mua bán người” với tình tiết “tái phạm nguy hiểm” được quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Tượng và Nguyên đều đã có tiền án, trong đó Tượng có 3 tiền án về các tội “Môi giới mại dâm”, “Trốn khỏi nơi giam giữ” và “Bắt, giữ người trái pháp luật”; Nguyên có 2 tiền án về tội cướp tài sản.
Tuy vậy, các luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Nguyên và Tượng lại cho rằng giữa bị hại và bị cáo có quan hệ dân sự về nợ nần, vay mượn; do đó các bị cáo không phạm tội.
Trước lời bào chữa này, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, cho rằng: Luật sư có thể đưa ra các tài liệu chứng cứ để bảo vệ thân chủ của mình. Tuy nhiên, sự thật trong vụ án này là bị cáo Hồng, Đạt đã chuyển giao người cho bị cáo Nguyên và nhận 20 triệu đồng. Điều này cũng có nghĩa bị cáo Nguyên trả 20 triệu đồng cho Hồng, Đạt để nhận bị hại D.
“Pháp luật Việt Nam quy định đây là hành vi mua bán người, hoàn toàn không phải là quan hệ vay mượn dân sự như luật sư biện hộ”, ông Đỗ Tấn Phước, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa lập luận.
Không những thế, hành vi bắt giữ, đánh đập, yêu cầu bị hại trả nợ của bị cáo Hồng, Đạt, Hậu và Duy cũng phạm vào tội “bắt, giữ người trái pháp luật” quy định tại Khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội. Tượng, Nguyên chịu mức án 12 năm tù giam về tội “Mua bán người”; Đạt 7 năm 6 tháng tù giam và Hồng 6 năm 6 tháng tù giam cùng 2 tội danh “Mua bán người” và “Bắt, giữ người trái pháp luật”; Duy 1 năm 6 tháng tù giam về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và Hậu 1 năm 5 tháng 9 ngày tù về tội “Bắt người trái pháp luật”.
Mỗi bản án dành cho các bị cáo cũng là bài học cho những ai xem người khác là hàng hóa thuộc sở hữu của mình; tự cho mình quyền định đoạt số phận của họ.
KIỀU ANH