Tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên
Thời gian qua, các chính sách vay vốn ưu đãi tiếp tục tạo đà, động viên, tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo.
Từ vốn vay ưu đãi, chị Đinh Thị Phú, ở làng Hà Giao, xã Canh Liên (huyện Vân Canh) đã mạnh dạn đầu tư trồng keo, từng bước phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2015 đến nay, chị Phú đã vay 110 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Theo chị, bước ngoặt của sự thay đổi là khi chị tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách. Vốn vay là động lực, cũng là áp lực để chị mạnh dạn, nỗ lực vượt qua những cản trở về nhận thức, tâm lý “sợ nợ” cố hữu của người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Cũng tận dụng lợi thế đồi núi, anh Đinh Văn Thảo, ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) đã đầu tư trồng keo lai. Nhờ nguồn thu tương đối ổn định từ việc bán keo, anh thoát nghèo vào năm 2018. Năm 2019, anh tiếp tục vay 80 triệu đồng theo chương trình vay hộ cận nghèo để đầu tư cây giống, tiếp tục trồng keo trên 5 ha đất đồi.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vân Canh, cho biết: Một bộ phận đồng bào DTTS trên địa bàn đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn tiếp cận với vốn vay CSXH, chịu khó làm ăn và vươn lên làm giàu. Hiện nay, đồng bào DTTS chủ yếu đầu tư vốn vay vào chăn nuôi, trồng rừng.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, từ năm 2019 đến nay, vốn vay CSXH đã đến với hơn 3.000 lượt hộ nghèo, hơn 1.000 lượt hộ cận nghèo và hơn 1.000 lượt lao động vay giải quyết việc làm. Trong đó, có gần 1.800 hộ DTTS tiếp cận 11 chương trình vay CSXH với dư nợ hơn 89,7 tỷ đồng, đạt 64,28% số hộ DTTS số toàn huyện. Từ việc sử dụng vốn vay hiệu quả, nhiều nông dân là người DTTS ở Vĩnh Thạnh đã trở thành nông dân sản xuất giỏi của huyện với các mô hình trồng bí đỏ, dưa hấu, bắp, đậu…
Để giúp người DTTS phát triển kinh tế, UBND huyện An Lão vừa phân bổ 12 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Người lao động DTTS trên địa bàn thuộc nhóm thụ hưởng chính sách vay vốn này để đầu tư trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt… góp phần giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.
Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, nguồn vốn tín dụng CSXH đã “phủ sóng” đến 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đang được tiếp cận với các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, vay học sinh, sinh viên, hỗ trợ trợ xây dựng nhà ở… Một số hộ DTTS tiếp cận từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
Trên tinh thần “cho cần câu, không cho con cá”, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đến các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH vùng DTTS, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi.
Chính sách tín dụng cần tiếp tục đổi mới và mở rộng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.
Đặc biệt, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26.4.2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025) với các chương trình vay thiết thực cần khẩn trương đi vào cuộc sống. Các ngành, cơ quan liên quan cần có hướng dẫn kịp thời để các địa phương sớm triển khai chương trình này, tạo động lực thúc đẩy vùng DTTS, miền núi khởi sắc hơn trong thời gian đến.
NGUYỄN MUỘI