NHÀ MÁY ĐIỆN GIÓ NHƠN HỘI - GIAI ĐOẠN 2 CHƯA THỂ VẬN HÀNH:
Do chưa được công nhận ngày vận hành thương mại
Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2 do Công ty CP Năng lượng FICO Bình Định làm chủ đầu tư có 6 trụ turbine, công suất 5 MW/turbine, tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng. Dù đã hoàn thành và đủ điều kiện hoạt động nhưng nhà máy này chưa thể vận hành thương mại. Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương đã cho Báo Bình Định biết lý do, vướng mắc của tình trạng trên.
Ông NGÔ VĂN TỔNG. Ảnh: H.Y
* 6 trụ turbine điện gió của Công ty CP Năng lượng FICO Bình Định không thể vận hành không chỉ gây tổn thất nặng nề cho Công ty, mà còn ảnh hưởng đến thu ngân sách của tỉnh gần 19 tỷ đồng/năm. Thưa ông, vì sao lại có chuyện như vậy?
- Đến hết ngày 31.10.2021, Dự án đã hoàn thành toàn bộ khối lượng xây dựng, lắp đặt thiết bị; đã được Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cấp Giấy phép hoạt động điện lực; đã hòa lưới, phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia và đã được ghi nhận trên cơ sở dữ liệu của ngành điện. Tuy nhiên, Dự án chưa được công nhận ngày vận hành thương mại, do chưa hoàn thành hết các quy trình thử nghiệm theo quy định của ngành điện. Trong ngành điện lực có khái niệm “ngày vận hành thương mại” (Commercial Operation Date - ngày vận hành thương mại - COD). Đây là ngày mà các nhà máy điện nhận được Chứng nhận thử nghiệm cuối cùng và đã vượt qua các thử nghiệm vận hành thành công.
Nguyên nhân dẫn đến việc không hoàn thành đầy đủ các quy định để được công nhận COD trước ngày 31.10.2021 là do trong năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến quá phức tạp, làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển thiết bị, huy động lao động và các chuyên gia nước ngoài để triển khai thi công. Đồng thời, trong tháng 10.2021 trên địa bàn có các cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa rất to nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của Dự án.
Mặc dù FICO Bình Định đã nỗ lực triển khai mọi biện pháp thi công nhưng vẫn không hoàn thành được các quy trình nghiệm thu, thử nghiệm để đưa Dự án vào vận hành phát điện thương mại trước ngày 1.11.2021 để được hưởng cơ chế hỗ trợ giá bán điện theo quy định tại Quyết định số 39/2018/ QĐ-TTg ngày 10.9.2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29.6.2011 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 39).
Các turbine điện gió của Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2 chưa thể vận hành do chưa được công nhận ngày vận hành thương mại. Ảnh: HẢI YẾN
* Như vậy với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Sở Công Thương đã hỗ trợ DN như thế nào?
- Việc Dự án không được đưa vào vận hành phát điện khiến Công ty gặp rất nhiều khó khăn; có thể dẫn đến nhiều bất ổn, tranh chấp, kiện tụng và có nguy cơ phá sản. Các thiết bị của nhà máy đã lắp đặt nhưng không hoạt động có thể bị hư hỏng.
Để tạo điều kiện cho Dự án sớm được đưa vào vận hành phát điện thương mại, phát huy hiệu quả đầu tư, đóng góp cho nguồn ngân sách và giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương, tránh lãng phí hàng nghìn tỷ đồng đã đầu tư, chúng tôi đã có các Công văn số 1593/ SCT-QLNL ngày 2.11.2021; số 441/SCT-QLNL ngày 1.4.2022 tham mưu đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo cho phép công nhận COD đối với Dự án và Công văn số 618/SCT/KHCTTH ngày 4.5.2022 về việc phản ánh ý kiến, kiến nghị với kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đã kiến nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép công nhận COD đối với Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2 do FICO Bình Định làm chủ đầu tư; tạo điều kiện cho dự án được vận hành, hòa lưới điện để duy trì các trạng thái kỹ thuật của nhà máy trong thời gian chờ được công nhận COD.
* Quyết định số 39/2018/ QĐ-TTg đã hết hiệu lực, nhưng 7 tháng trôi qua vẫn chưa có một hướng xử lý rõ ràng gây ra sự lãng phí rất lớn. DN phải chờ đến khi nào, thưa ông?
- Sở Công Thương luôn quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện và kiến nghị tới Quốc hội hoặc cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; và vẫn liên tục cập nhật thông tin, kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ DN.
Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về đề xuất sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1.10.2021 cũng như chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31.3.2022. Đây là những vấn đề lớn đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn của địa phương, một số vấn đề do vướng mắc chung như chính sách về giá điện năng lượng tái tạo.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI YẾN (Thực hiện)