ÔNG VÕ VĂN HOÀNG MINH, TRƯỞNG BAN TỪ THIỆN HIỆP HỘI NHỰA VIỆT NAM:
Không ngừng sáng tạo vì thương người khó khăn
Trong nhiều năm làm từ thiện, cùng với việc tặng quà hỗ trợ người dân khó khăn vượt qua nghịch cảnh, ông Võ Văn Hoàng Minh còn có nhiều giải pháp giúp cộng đồng sống bình yên và tốt đẹp hơn. Tại Bình Ðịnh, gần đây ông hay xuất hiện tại các chương trình trao tặng bộ áo phao đa năng, chia sẻ với ngư dân cách sử dụng với rất nhiều tâm huyết.
Sáng chế vì thương ngư dân
● Ông nhiều lần chia sẻ rằng, mình làm công tác xã hội nên luôn thương những người nghèo khó, nhất là những người góp phần tạo ra giá trị kinh tế cho đất nước. Ý tưởng về bộ áo phao đa năng có lẽ xuất phát từ tình cảm dành cho ngư dân đánh bắt khơi xa…
- Đúng vậy. Năm 2010, tôi tham gia chuyến thiện nguyện ở tỉnh Quảng Ngãi, vào thăm một gia đình ngư dân nghèo, có người thân vừa bị thiệt mạng trên biển. Quá đau lòng khi biết người chồng, người cha là lao động chính không còn, hệ lụy kéo theo là cả gia đình đối mặt với cảnh đói nghèo. Trở về sau chuyến đi đó, tôi đã trăn trở rất nhiều với suy nghĩ: Làm thế nào để giúp ngư dân tránh cái chết trên biển.
Trong vòng 3 năm sau đó, tôi tìm hiểu các nguyên nhân gây ra cái chết cho ngư dân trên biển. Cùng với nỗ lực tìm cách loại trừ những nguyên nhân này, tôi lần lượt sáng chế ra những dụng cụ, thiết bị và hoàn thiện bộ áo phao đa năng.
Cụ thể, để ngư dân rơi xuống biển không bị chìm, tôi thiết kế loại áo phao nổi, chịu được sóng cấp 6 - 7. Ngư dân có thể chết vì lạnh, tôi nghĩ ra bộ áo liền quần giữ ấm toàn thân. Giúp ngư dân tránh cá mập, tôi tìm hiểu và sáng chế loại tất đặc biệt bằng cao su, đây là loại sản phẩm trên thế giới và thị trường Việt Nam chưa có, vừa giữ ấm chân, vừa tránh sự phát hiện của cá mập. Ngư dân lênh đênh trên biển có thể chết đói, chết khát, tôi thiết kế những chiếc túi chứa lương khô, nước uống phù hợp trên bộ áo.
Còn nữa, để giúp ngư dân dễ dàng được tàu bè phát hiện, cứu hộ, tôi trang bị thêm còi, đèn pin và gương gắn vào bộ áo để phát tín hiệu cấp cứu cả ban ngày lẫn ban đêm.
● Ngoài bộ áo phao đa năng dành cho ngư dân đánh bắt xa bờ, được biết mới đây ông đã sáng chế ra một số thiết bị hỗ trợ ngư dân đánh bắt gần bờ…
- Từ thông tin một số ngư dân đánh bắt gần bờ rớt xuống biển mất tích, hoặc đi câu mực bị sóng lớn phủ chìm, tôi sáng chế các thiết bị nổi an toàn. Đó là chiếc võng nệm cứu sinh, có thể dùng làm võng, đệm lót nằm trên sàn tàu, đặc biệt có thể thu gọn lại trong vòng 3 giây để làm vật nổi cứu sinh trên biển. Một loại khác là phao bơi dành cho người đi đánh bắt ven bờ và người đi qua sông, suối. Với người đi câu mực có thêm móc vào lưng quần, khi rớt xuống nước sẽ có chiếc phao nổi ngay bên cạnh mình.
Ông Võ Văn Hoàng Minh (phải) giới thiệu cách sử dụng bộ áo phao đa năng tại Lễ trao tặng bộ áo phao cứu sinh đa năng, túi sơ cấp cứu, cờ Tổ quốc cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh, được tổ chức cuối tháng 5.2022. Ảnh: N.T
Giữa tháng 6 này, tôi đã đem các thiết bị trên về Bình Định, cùng Hội CTĐ tỉnh thử nghiệm tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Thời gian tới, tôi sẽ vận động nhà tài trợ sản xuất đại trà và có kế hoạch tặng cho ngư dân đánh bắt gần bờ có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.
Những “dấu ấn” với Bình Định
Cùng với bộ áo phao đa năng, ông Võ Văn Hoàng Minh còn là người thiết kế mô hình Bếp ăn tình thương đang hoạt động tại nhiều cơ sở y tế trong tỉnh. Theo ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, năm 2014, thời điểm Hội mới thành lập, ông đã mời ông Minh tham gia bàn việc hình thành Bếp ăn tình thương cho BVĐK tỉnh. Với đề án hợp lý, cụ thể, có tính thuyết phục của ông Minh, chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, Hội đã triển khai được mô hình bếp này.
Ông Minh sau đó còn kết hợp với nhóm Nghĩa tình quê hương (TP Hồ Chí Minh) ủng hộ kinh phí xây một số bếp ở TTYT huyện Tuy Phước, TTYT TX Hoài Nhơn, TTYT huyện Tây Sơn và sửa lại bếp ở TTYT TP Quy Nhơn. Đến nay, các bếp đang hoạt động rất hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu thực tế, giúp bệnh nhân nghèo đảm bảo sức khỏe.
● Nhiều lần đến Bình Định làm việc, điều gì làm ông ấn tượng nhất, thưa ông?
- Thật ra, trong quá trình loay hoay tìm kiếm sự công nhận về mặt pháp lý cho các sáng kiến của mình, tôi đã được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh phối hợp và hỗ trợ rất tích cực.
Ông Võ Văn Hoàng Minh sinh năm 1959, quê ở tỉnh Long An. Trước khi nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Từ thiện Hiệp hội nhựa Việt Nam vào năm 2015, ông là Trưởng Phòng Kinh doanh - Tiếp thị, Công ty CP Nhựa Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh).
Mới đây, đề án thành lập hồ bơi di động với nhiều tiêu chí đảm bảo sự hoạt động lâu dài, hiệu quả, đặc biệt ở những trường học thuộc vùng khó khăn của ông Minh đã được lãnh đạo nhiều nơi ủng hộ. Đầu tháng 6.2022, ông Minh đã cùng nhà tài trợ về TX An Nhơn tổ chức khánh thành 5 hồ bơi phòng, chống đuối nước ở trẻ em theo ý tưởng của đề án này.
Tôi chưa có dịp đến gần với nhiều người khó khăn của Bình Định, ngay cả với ngư dân khó khăn là đối tượng tôi quan tâm nhất. Trong những lần tham gia cùng các nhà tài trợ tặng quà, tôi gặp gỡ, chuyện trò với một số lãnh đạo tỉnh, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội CTĐ tỉnh, một số chi hội, nhóm thiện nguyện. Từ đó, đọng lại trong tôi và cũng tạo sự quý mến, thiện cảm với con người Bình Định chính là các vị lãnh đạo Bình Định rất thương dân, biết lo cho dân.
Trong đó, ấn tượng sâu sắc hơn cả là anh Nguyễn Tấn Hiểu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, hiện là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh. Tôi thấy anh rất tâm huyết với cộng đồng, với người nghèo khó. Mặc dù đã lớn tuổi, sức khỏe không được dồi dào nhưng rất nhiệt huyết, luôn tìm cách thu hút, thuyết phục những người làm công tác xã hội như tôi và các nhà hảo tâm hướng về người khó khăn của Bình Định.
Hay như chị Trần Thị Tuyết, phụ trách Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh cùng những chị phụ trách các bếp tình thương khác. Đêm khuya, lúc mưa bão, cả lúc dịch Covid-19 hoành hành, các chị vẫn đảm bảo những suất cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Biến đau thương thành hành động
● Nghĩ ra ý tưởng đã khó, được biết ông còn phải thuyết phục nhà hảo tâm tài trợ kinh phí triển khai ý tưởng, sau đó đem tặng sản phẩm cho người dân. Với rất nhiều khó khăn phải vượt qua trước khi mang giải pháp gỡ khó cho người dân, có khi nào ông chùn bước?
- Tôi nhớ có người đã nói rằng: Chuyện ông làm là của những nhà khoa học. Tay ngang như ông mà đi đến thành công sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức đấy. Tôi biết vậy nhưng không cam tâm khi giải pháp của mình hiệu quả mà không đem đến được sự an toàn cho ngư dân.
Ông Võ Văn Hoàng Minh (thứ 2 từ trái sang) đề nghị UBND các địa phương có hồ bơi bố trí kinh phí duy trì hoạt động của hồ. Ảnh: N.T
Nhiều người bảo tôi là kiểu “không ở yên” cũng đúng, bởi tôi là người hoạt động xã hội nên đau nỗi đau chung với cộng đồng. Lúc nào tôi cũng trăn trở, tìm kiếm giải pháp giúp người dân khó khăn. Khi thấy người dân hầu như năm nào qua mưa lũ cũng bị cuốn trôi tài sản, tôi nghĩ ra giải pháp dùng bồn chứa hàng hóa để bảo quản tài sản khi lũ về. Hay giải pháp “Bảo vệ đàn gia súc khi bị rét đậm rét hại trên vùng núi phía Bắc” cũng ra đời khi chứng kiến khó khăn của người dân.
● Trên thực tế, không ít người có những ý tưởng, giải pháp nhưng để hiện thực hóa lại không dễ dàng. Ông có lời khuyên nào với họ
- Đúng là việc triển khai một ý tưởng hay giải pháp do mình nghĩ ra không hề dễ dàng. Dù vậy, theo tôi, hãy cứ suy nghĩ, có ý tưởng, có giải pháp và hãy cố gắng cầu thị, kiên trì thuyết phục mọi người cho đến khi giải pháp hoàn thiện và được ủng hộ triển khai vào thực tế.
Cùng với nỗ lực của tỉnh, tôi biết một số người con của tỉnh Bình Định ở TP Hồ Chí Minh hoạt động kinh tế rất thành đạt. Mong rằng, thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm sự chung tay của họ để giúp cho người dân khó khăn của quê hương có đời sống ổn định và tốt đẹp hơn.
● Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)