BVÐK TP QUY NHƠN LÀM CHỦ C-ARM:
Nhiều tin vui cho bệnh nhân chấn thương chỉnh hình
Năm 2022, BVÐK TP Quy Nhơn đã tiếp nhận chuyển giao và sẽ triển khai nhiều kỹ thuật mới ở lĩnh vực chấn thương chỉnh hình với sự hỗ trợ của máy C-arm.
Có thể kể đến một số kỹ thuật mới về chấn thương chỉnh hình đang triển khai tại Khoa Ngoại, BVĐK TP Quy Nhơn, như: Kết hợp xương gãy liên mấu chuyển bằng đinh nội tủy đầu trên xương đùi (PFNA) trên màn hình tăng sáng (C-arm) với đường mổ tối thiểu, giúp bệnh nhân hồi phục sớm, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi; kết hợp xương gãy thân xương đùi, xương chày bằng đinh nội tủy nắn kín, không mở ổ gãy trên C-arm; kết hợp xương gãy mâm chày, đặc biệt là gãy độ V, VI theo Schatzker với sự hỗ trợ C-arm; điều trị loét da mạn tính bằng máy hút áp lực âm (VAC); điều trị các trường hợp gãy xương trẻ em bằng nắn kín và xuyên đinh cố định xương qua da/C-arm; chuyển vạt da điều trị các vết thương mất da ngón, bàn tay, bàn chân.
Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn rất coi trọng việc phát triển kỹ thuật mới. Ảnh: Đ. THẢO
BS CKII Bành Quang Khải, Phó Giám đốc BVĐK TP Quy Nhơn, cho biết: Chúng tôi rất coi trọng việc phát triển kỹ thuật mới. Việc làm chủ nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến tiếp cận trình độ quốc tế vừa nâng cao năng lực, vừa tăng thêm uy tín cũng như nâng hạng cho bệnh viện.
Toàn bộ kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực chấn thương chỉnh hình kể trên được thực hiện với sự hỗ trợ của máy C-arm. C-arm, một loại máy phát tia X, có thể dẫn đường cho các phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình trong các ca mổ. Máy giúp cho các phẫu thuật viên định hướng đặt các đinh, ốc vít vào xương chính xác hơn gấp nhiều lần so với cách làm xưa nay - theo cảm giác của người mổ, nhờ đó không cần phải mở rộng chỗ cần can thiệp. Thay vì phải rạch da, bóc tách gân cơ, xâm lấn, làm tổn hại mạch máu, dây thần kinh để đến nơi xương khớp tổn thương, thì nay với C-arm dẫn đường, mọi việc trở nên chính xác hơn nhiều. C-arm giúp kiểm soát được đường đi của các đinh ốc vít (góc, hướng, trên dưới trước sau, trong ngoài...) nên các dụng cụ được đặt vào trong xương đạt kết quả tốt hơn.
BS CKII Mang Đức Tiến Hoan, Trưởng Khoa Ngoại (BVĐK TP Quy Nhơn), cho biết: C-arm giúp việc xâm lấn xuống đến mức tối thiểu, vết mổ hẹp hạn chế khả năng bị nhiễm trùng, chỉ mở tối thiểu, giữ được ổ gãy kín, đồng thời hạn chế các sang thương thứ phát - do đã tránh được mở rộng, bóc tách, giằng kéo… Thiết bị, kỹ thuật mới nâng cao khả năng, tính toàn vẹn nguồn máu nuôi, giúp xương nhanh lành hơn. Đặc biệt, nhờ đó sẽ bảo toàn được cấu trúc giải phẫu, nhất là mạch máu thần kinh và gân cơ, đảm bảo được hoàn hảo về chức năng chi thể. Bệnh nhân ít đau đớn hơn. Chi phí điều trị thấp hơn, bởi thời gian nằm viện chăm sóc ngắn hơn, thuốc dùng ít hơn...
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới về chấn thương chỉnh hình như: Phẫu thuật nội soi khớp gối, tái tạo dây chằng chéo trước/sau; thay khớp háng; vi phẫu phục hồi tổn thương mạch máu thần kinh do tổn thương”, bác sĩ Bành Quang Khải chia sẻ tin vui.
Đối với xương đùi, bác sĩ Mang Đức Tiến Hoan cho biết thêm, hầu như gãy thân xương đùi đều được chỉ định mổ. Tốt nhất gãy thân xương đùi nên được mổ trong 24 tiếng đồng hồ đầu tiên ngay sau khi xảy ra sự cố. Vì gãy xương đùi thường kèm mất máu, ổ gãy co kéo gây đứt rách thêm cơ, tổn thương kéo theo sẽ nặng hơn nên mổ càng sớm hiệu quả càng cao. Hiện nay, kỹ thuật đóng đinh nội tủy với sự hỗ trợ của C-arm là phương pháp điều trị tốt nhất cho các chấn thương gãy xương đùi, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, nhất là các bệnh nhân bị tai nạn giao thông và người cao tuổi.
ĐỖ THẢO