Biến thể phụ BA.5 có thể tiếp tục xâm nhập Việt Nam
Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và có khả năng tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam. Số ca mắc Covid-19 có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ bị hậu Covid-19 diễn biến nặng chiếm tỉ lệ cao.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, tốc độ gia tăng số mắc hằng ngày của Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vắc xin) giảm theo thời gian và độ bao phủ vắc xin; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam. Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Tiêm vắc xin là điều cần thiết để phòng chống biến thể mới
Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hằng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.
Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới của Covid-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào Việt Nam.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt bảo đảm tiến độ tiêm đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Tiếp tục đảm bảo năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở...
50% trẻ bị hội chứng MIS-C phải thở máy, lọc máu
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong số 756 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị hậu Covid-19 tại bệnh viện có đến 283 bệnh nhân bị mắc Hội chứng suy đa cơ quan (MIS-C), trong số này 50% phải nằm hồi sức.
Các trẻ nhỏ này phải thở máy, lọc máu và làm ECMO. Hội chứng mắc suy đa cơ quan là tình trạng đáp ứng viêm quá lên của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của virus. Việc này ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan, trong đó có hệ thống tim mạch, hệ thống da, cơ, gan, thần kinh, thận… Đây là hội chứng rất nặng, ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ.
PGS Điển cho biết thêm: “Rất may mắn trong nhóm trẻ này, hầu hết đều được cứu sống được dựa trên phác đồ điều trị. Tuy nhiên, phác đồ điều trị này rất tốn kém. Ví dụ như phải dùng thuốc đường tĩnh mạch, với trẻ 30-40 kg tốn kém mấy trăm triệu đồng. Như vậy, nếu trẻ mắc Covid-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị”.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những bệnh nhân mắc MIS-C mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ, hầu như đều là các trẻ chưa tiêm vắc xin Covid-19. “Chúng tôi đã tra cứu các y văn và thấy rằng tiêm vắc xin Covid-19 không những có tác dụng giúp tránh bị MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ bị MIS-C. Với trẻ từ 12-18 tuổi, theo nghiên cứu từ Hoa Kỳ cho thấy, ước tính hiệu quả của 2 liều vắc xin Pfizer chống lại MIS-C là 91%”, TS Điển thông tin.
Các chuyên gia y tế cho hay với nhóm trẻ từ 5-17 tuổi, theo nghiên cứu lớn tại Đan Mạch, khi tiêm vắc xin sẽ bảo vệ trẻ tránh khỏi MIS-C khoảng 94%. Điều này cho thấy, nếu cho trẻ đi tiêm phòng sẽ giảm được nguy cơ mắc MIS-C và nếu như có mắc MIS-C thì bệnh sẽ nhẹ đi. Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc Covid-19.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển tỉ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến nay, cũng tương đương với tỉ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc Covid-19. Với các ca bệnh khó, bệnh nặng chủ yếu liên quan đến bệnh mạn tính, bệnh nền. Đây là những yếu tố nguy cơ trên nhóm nguy cơ. Ngay tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay một ngày có khoảng 5 -7 trường hợp mắc hội chứng MIS-C.
Theo TS Điển: “Chúng ta đã qua đỉnh dịch 3 - 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội thời gian qua, nhất là trong những tháng hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng và tham gia vào các hoạt động xã hội khác nên trẻ rất dễ mắc. Và với tỉ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch…”.
Trả lời câu hỏi nhiều cha mẹ thắc mắc “con tôi đã mắc rồi thì có nên đi tiêm hay không, có miễn dịch rồi thì có tiêm hay không”, PGS.TS Trần Minh Điển nói: “Biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong giai đoạn này. Chúng ta hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không bổ sung kháng thể cho con của mình. Việt Nam ưu tiên tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi liều giống như người lớn, với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi cũng có loại vắc xin riêng. Đây là những ưu tiên lớn của Chính phủ Việt Nam đối với trẻ em, người lớn nên cho trẻ đi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế".
Theo Hà Minh (TPO)