Bình thường hóa hoạt động khám, chữa bệnh
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, các hoạt động đời sống, xã hội đã quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, ở một số địa phương, các cơ sở y tế vẫn vắng bóng bệnh nhân so với trước khi có dịch, do tâm lý lo ngại của người bệnh.
Dần bình thường hóa, nâng cao chất lượng phục vụ
Bác sĩ CKII Trần Thượng Dũng, Trưởng Khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh, cho biết: Hiện nay lượng bệnh nhân đến khám tại BVĐK tỉnh đã tương đương với khi chưa có dịch bệnh xảy ra. Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận từ 1.200- 1.500 bệnh nhân cấp cứu và khám, riêng những ngày đầu tuần và cuối tuần thì đông hơn. Dù không còn phải qua nhiều quy trình để kiểm soát dịch như trước nhưng bệnh nhân đến khám vẫn phải mang khẩu trang, nếu bác sĩ khám mà nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu Covid-19 thì sẽ cho kiểm tra nhiều hơn.
Người dân đến khám tại BVĐK tỉnh đã tăng trở lại và vẫn tuân thủ việc mang khẩu trang. Ảnh: Đ. THẢO
Tại các TTYT tuyến huyện, thành phố, lượng bệnh nhân cũng tăng dần trở lại. Bác sĩ CKII Bành Quang Khải, Phó Giám đốc BVĐK TP Quy Nhơn, cho biết: Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, bệnh nhân đến khám dần tăng trở lại, khoảng 600 người/ngày, đạt 80% so với trước dịch. Bệnh nhân điều trị nội trú đạt khoảng 80% so với trước kia vì chúng tôi đang xây dựng lại 2 dãy nhà. Chúng tôi động viên người bệnh tích cực đến với cơ sở y tế khi nghi ngờ mắc bệnh, không vì lo lắng vu vơ mà ngại. Hơn nữa hiện tại có rất nhiều cơ sở y tế để bệnh nhân lựa chọn, do vậy chúng tôi càng phải tìm cách nâng cao chất lượng, uy tín, tinh thần phục vụ.
Đối với địa phương đông dân như TX An Nhơn, lãnh đạo TTYT thị xã cho biết hoạt động khám chữa bệnh tại đây cũng đã bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Hiện tại mỗi ngày trung tâm tiếp đón khoảng 500 - 600 bệnh nhân, điều trị nội trú khoảng hơn 300 người/ngày.
Bên cạnh các cơ sở y tế đã đi vào hoạt động bình thường trở lại, không ít cơ sở y tế có thể nói là “ế ẩm”, đặc biệt là ở miền núi, trung du. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, cho biết: Sau dịch, lượng người đến khám bệnh ít hẳn so với khi chưa có dịch dù chúng tôi đã sớm bình thường hóa, tạo điều kiện để người dân đến khám, chữa bệnh thuận lợi. Hiện tại, người đến viện chủ yếu là bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính và những bệnh nhân điều trị tại nhà thấy không thuyên giảm.
Không nên tự điều trị
Theo các chuyên gia y tế, bệnh thường gặp nhất ở mùa nắng, nóng là các bệnh lý về tiêu hóa như nhiễm trùng tiêu hóa, viêm dạ dày, ngộ độc thực phẩm, kế đến là các bệnh về đường hô hấp. Ngoài ra, các bệnh do nhiệt độ như say nắng, say nóng, đột quỵ cũng dễ gia tăng trong mùa này. Khi mưa nắng thất thường cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm phát triển như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết.
Bác sĩ CKII Bành Quang Khải tư vấn: Nhìn chung khi bệnh nhân có triệu chứng bất thường thì nên đi khám, dễ tiếp cận nhất là trạm y tế, các phòng khám đa khoa tư nhân. Các bác sĩ sẽ tư vấn theo dõi, trường hợp nặng sẽ chuyển đúng tuyến điều trị. Dễ thấy nhất như bây giờ là sốt xuất huyết. Khi bệnh nhân có triệu chứng sốt thì tốt nhất nên đi khám để tìm nguyên nhân, xem có phải là sốt xuất huyết không, phân độ sốt xuất huyết thông thường, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo hay sốt xuất huyết nặng để có xử trí phù hợp, kịp thời. Thường người dân có thói quen là khi có triệu chứng bất thường hay dùng các biện pháp dân gian trước. Tất nhiên cũng có những biện pháp tốt nhưng đa số là không tốt hoặc không phù hợp. Ví dụ như khi đau nhức không rõ nguyên nhân là đi chích lể, hoặc những người có dấu hiệu đột quỵ như choáng váng, nói ngọng hoặc tay chân yếu là đi cạo gió, chích lể. Một thói quen rất không tốt nữa là khi đau thì hay tìm đơn thuốc của người có triệu chứng na ná vậy rồi tự đi mua thuốc về uống, như thế rất nguy hiểm!
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng nói: Không có thống kê nào nhưng qua thực tế, có lẽ chỉ khoảng 20% người dân quan niệm là đau sẽ đi gặp bác sĩ, còn lại là tự điều trị trước. Tự mua thuốc uống rất có hại như vấn đề kháng thuốc, đồng thời có thể là chỉ định liều, sử dụng thuốc không đúng.
Cùng với những bệnh mùa nắng nóng, bác sĩ Trần Thượng Dũng cũng lưu ý: Ngoài các bệnh theo mùa, dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nhưng chúng ta cũng nên có ý thức phòng bệnh như mang khẩu trang, tiêm vắc xin. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính cũng nên đi tái khám định kỳ.
ĐỖ THẢO