Chăm sóc các rối loạn sức khỏe tâm thần: Phát hiện sớm, điều trị tốt, hiệu quả lâu bền
Gần đây, số trường hợp mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Ðể sớm phát hiện các trường hợp rối loạn về sức khỏe tâm thần, ngoài việc sàng lọc của cơ quan chuyên môn, người dân nên có kiến thức cơ bản để có thể giúp đỡ, hỗ trợ người thân nếu không may mắc phải.
Thống kê của Sở Y tế cho biết, tính đến tháng 6.2022, toàn tỉnh phát hiện 28 trường hợp tâm thần phân liệt, tăng 28 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Bệnh viện Tâm thần Bình Định, hiện có 150 bệnh nhân nội trú đang được điều trị các bệnh về rối loạn sức khỏe tâm thần, tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Bệnh viện Tâm thần Bình Định tổ chức tập huấn về sức khỏe tâm thần cho cán bộ, chuyên viên phụ trách sức khỏe tâm thần ở các địa phương. Ảnh: Đ. THẢO
Theo Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025, đến năm 2025, có ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được sàng lọc định kỳ một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; phát hiện được ít nhất 70% người mắc bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc bệnh trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác; quản lý điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 50% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện...
Ông Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết: Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giúp người dân hưởng lợi nhiều hơn về vấn đề phát hiện sớm và phòng, chống. Các bệnh về tâm thần phát hiện sớm, điều trị sớm thì có kết quả rất tốt. Nếu công tác truyền thông ít hơn, chậm hơn, việc phát hiện ra người bệnh chậm trễ, kết quả điều trị sẽ kém, số ca bệnh tái phát sẽ nhiều hơn. Không chỉ vậy, nếu không phát hiện sớm người mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần để chữa trị sớm thì ngoài phải điều trị mất nhiều thời gian hơn, còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH. Nhưng, hiện chúng tôi đang trong tình trạng thiếu bác sĩ…
Để phổ biến, cập nhật kiến thức về sức khỏe tâm thần, hằng năm, Bệnh viện Tâm thần Bình Định tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, chuyên viên phụ trách sức khỏe tâm thần tuyến huyện và tuyến xã. Nhờ vậy, khi người dân cần tư vấn, các chuyên viên cấp xã cũng có thể thông tin, hỗ trợ. Chị Đặng Hồng Kiều, chuyên viên phụ trách sức khỏe tâm thần, Trạm Y tế Nhơn Hạnh, TX An Nhơn, cho biết: Chúng tôi thực hiện cấp, phát thuốc tại Trạm và quản lý bệnh nhân tâm thần. Đồng thời, khi có người dân đến hỏi hoặc nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh, chúng tôi sẽ chủ động tư vấn cách điều trị, địa điểm điều trị phù hợp.
Trong các rối loạn về sức khỏe tâm thần, trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây gia tăng số người tự tử ở Việt Nam khá cao. Mỗi năm ước tính có khoảng hàng chục nghìn người tự tử vì trầm cảm. Ông Châu Văn Tuấn cho biết thêm: Trầm cảm là gánh nặng đứng thứ 4 toàn cầu sau ung thư, tim mạch, các bệnh về chuyển hóa như đái tháo đường, cao huyết áp. Trầm cảm làm mất sức lao động, học tập và nguy hiểm nhất là tự sát. Nếu gia đình có 1 người tự sát, đặc biệt là treo cổ thì mức độ ảnh hưởng đến tâm lý do sang chấn có thể kéo dài đến 4 đời sau. Có nhiều người bị trầm cảm nhẹ không nhận ra mình bị trầm cảm. Khi cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, giảm hiệu suất công việc, nhiều người cứ nghĩ do các bệnh nội khoa như tim mạch, thần kinh nên phát hiện trễ, khi bệnh đã nặng. Trầm cảm có các biểu hiện phổ biến như: Buồn vô cớ; mệt mỏi, mất ngủ; giảm hoạt động; không thích nơi ồn ào náo nhiệt, không thích đám đông; mất tập trung; suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nghĩ đến chuyện tự sát.
Tuy nguy hiểm nhưng theo ông Châu Văn Tuấn, nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Do vậy, nếu thấy người thân mình có các dấu hiệu trầm cảm thì nên đưa đi thăm khám sớm.
ĐỖ THẢO