GIÁO SƯ DUNCAN HALDANE - GIẢI VẬT LÝ NOBEL NĂM 2016:
Làm khoa học cần tận tụy theo đuổi ý tưởng và cả sự may mắn nữa…
Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện” diễn ra từ ngày 10 - 16.7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) vinh dự đón chào sự tham dự của GS Duncan Haldane (giải Nobel Vật lý năm 2016 -Trường ĐH Princeton, Mỹ). Đây là lần đầu tiên GS Haldane đến với Việt Nam và thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp. Phóng viên Báo Bình Định có cuộc phỏng vấn giáo sư nhân chuyến công tác đặc biệt này.
“Tăng cơ hội mở rộng và tiếp cận kiến thức cho người trẻ”
GS Duncan Haldane. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Chào giáo sư! Giáo sư có thể chia sẻ lý do chọn Việt Nam và Quy Nhơn là điểm đến để tham gia Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện”?
- Tôi đến đây vì nơi này tổ chức hội thảo về vấn đề mình đã nghiên cứu. Tôi biết có rất nhiều người trên khắp thế giới đến đây, trong đó có nhiều nhà khoa học và cả nhà khoa học đạt giải Nobel như tôi. Đến đây, chúng ta có nhiều cơ hội để gặp gỡ, trao đổi về ý tưởng mới, chia sẻ những công việc đang thực hiện. Hơn nữa, những vấn đề này thường là điều chúng ta không biết câu trả lời, vì cần rất nhiều nghiên cứu, nhiều thí nghiệm được thực hiện để tìm ra về những điều mới về cơ học lượng tử. Thật tuyệt vời khi Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức hội thảo tại Trung tâm ICISE xinh đẹp này.
* Trước khi đến Quy Nhơn, giáo sư biết gì về ICISE?
- Tôi được vợ, chồng GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và GS Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp mời về tham dự Hội nghị. Tôi cũng chưa biết gì về ICISE trước khi đến đây. Tuy nhiên, tôi vẫn chọn ICISE làm điểm đến vì tăng cơ hội mở rộng và tiếp cận kiến thức cho người trẻ, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên theo đuổi lĩnh vực khoa học này, giúp thúc đẩy khoa học trong cộng đồng nhiều quốc gia, thay vì TP Hà Nội, hay các nơi tập trung đông đúc khác.
Tôi thật sự ấn tượng về cơ ngơi mà GS Vân đã sáng lập. Nơi này thật sự là địa điểm lý tưởng để các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đến học tập, nghiên cứu, trao đổi học thuật. Con người Bình Định rất thân thiện, cởi mở. Quy Nhơn có nhiều cảnh đẹp, nhất là bãi biển và cả ICISE.
GS Duncan Haldane trò chuyện cùng học sinh về tham gia Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện” tại ICISE. Ảnh: TRỌNG LỢI
Truyền cảm hứng khoa học đến công chúng
* Cảm nghĩ của giáo sư về việc học sinh, những người trẻ tuổi sau khi tham gia Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện”?
- Tôi đến Quy Nhơn chưa đủ lâu để cảm nhận rõ, nhưng cảm thấy thích thú, hào hứng với các hoạt động do Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức tại ICISE. Từ Hội nghị các nhà khoa học đã chia sẻ những nền tảng phát triển của khoa học mà các giáo sư, nhà khoa học trên thế giới, trong đó có nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, trao đổi. Từ đó, tạo động lực, kích thích sự đam mê khoa học cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh THPT tham gia Hội nghị. Qua các bài giảng sư phạm ngắn tại Hội nghị, các giáo sư, nhà khoa học đóng vai trò như một thầy giáo truyền cảm hứng để học sinh đam mê, yêu khoa học hơn.
* Sau Hội nghị lần này, cảm nghĩ của giáo sư về khoa học dành cho các bạn trẻ là gì?
- Tôi hy vọng các bạn trẻ đã, đang và sẽ có ý định theo đuổi những môn học về lĩnh vực khoa học từ các trường THPT ở Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung sẽ được khơi dậy niềm đam mê. Tôi đã từng được giáo viên ở cấp THPT khơi dậy niềm đam mê khám phá khoa học. Bạn biết đấy, hầu hết mọi người không nghiên cứu về khoa học nhưng cần ai đó khơi dậy niềm đam mê, khích lệ tinh thần.
Tôi nghĩ, nếu đang nghiên cứu về một vấn đề nào đó mà đầu óc mở mang, bạn sẽ có thể tìm thấy cái gì đó trên con đường một cách tình cờ. Khoảng thời gian đó thật sự thú vị, vì bạn chưa tưởng tượng ra trước đó. Khoa học giống như thể là biết chúng ta đi đâu nhưng dọc đường có nhiều điều ngạc nhiên. Do đó, điều thú vị và mới mẻ mà mọi người trước đó không hiểu đã xuất hiện.
GS Duncan Haldane chụp ảnh lưu niệm cùng thầy, cô giáo và học sinh về dự Hội nghị “Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện” tại ICISE Ảnh: TRỌNG LỢI
Làm khoa học, phải biết nhận ra viên kim cương trong cát bụi
* Trong hành trình nghiên cứu khoa học của mình, giáo sư từng đối diện với khó khăn, thậm chí là sai lầm…
- Thời sinh viên, tôi đã bắt đầu nghiên cứu khoa học. Tôi học được nhiều điều từ sự thay đổi, sai lầm và chỉnh sửa lặp đi lặp lại. Tôi chấp nhận thử thách ấy. Đó là điều các nhà khoa học không ngừng thực hiện để đạt được những kiến thức mới. Những trải nghiệm cuộc sống tươi đẹp cũng là một phần của việc tìm kiếm kiến thức mới, đặc biệt là đem lại lợi ích cho sự phát triển tương lai của nhân loại. Tôi nghĩ chúng ta không thể biết điều gì có thể xảy ra đối với tương lai cả. Chẳng hạn như biến đổi khí hậu, chúng ta phải đưa ra những nhiệm vụ quan trọng cho các nhà khoa học để làm sao phát triển vụ mùa mới có thể chống chọi với biến đổi đó, hay tìm ra phương pháp để chữa trị dịch bệnh mới. Khoa học sẽ là gốc rễ giải pháp của nhiều vấn đề. Một số người nghĩ rằng vấn đề do khoa học tạo ra nhưng tôi không nghĩ vậy. Kiến thức là kiến thức và khi kiến thức xuất hiện nó giống như hạt giống, cây cối, chúng ta biết thêm kiến thức mới, chúng ta tìm thấy công nghệ mới thì sẽ ngày càng phát triển. Những người mà ưu tiên dự định đi theo hướng khoa học và công nghệ, tôi nghĩ sẽ đóng góp quan trọng cho thế giới.
GS Duncan Haldane trồng cây trong vườn Nobel ở ICISE. Ảnh: TRỌNG LỢI
* Khi giáo sư và cộng sự tìm ra những điều mới mẻ của lượng tử Topo đã có nhiều nhà khoa học lớn lên án, nói rằng cái giáo sư tìm ra không thể nào đúng được, thậm chí có người còn nói là ngu xuẩn. Giáo sư có cảm thấy áp lực khi nhận được sự chia sẻ có phần khó nghe này?
- Tôi và cộng sự (nhà khoa học David Thouless đến từ Trường ĐH Washington và J.Michael Kosterlitz, Trường ĐH Brown - Mỹ) đạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 2016, cho “những phát hiện lý thuyết về những biến đổi trạng thái Topo và các trạng thái Topo học của vật chất”. Đây là công trình được viết ra từ năm 1988, nó trải qua một thời gian dài để được giới khoa học thế giới chấp nhận. Ban đầu, công trình này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng khoa học thế giới, có người cho rằng là điều phi lý.
GS Duncan Haldane (71 tuổi) là nhà khoa học người Anh. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Cambridge (Anh) và chọn làm việc tại ĐH Princeton từ năm 1990. Ông được biết đến với nhiều đóng góp cơ bản cho vật lý, vật chất cô đặc bao gồm lý thuyết về chất lỏng Luttinger, lý thuyết về chuỗi spin một chiều, lý thuyết về hiệu ứng hội trường lượng tử phân đoạn.
Tuy nhiên, tôi và các cộng sự vẫn bền bỉ giữ vững lập trường, không ngừng cộng tác, phản biện với các cộng đồng khoa học cho đến ngày giới thực nghiệm chứng minh điều đó là đúng. Nghiên cứu này sau đó được một nhóm nhà khoa học tại Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) thực nghiệm thành công… Ở Trung Quốc, họ đã đi rất xa trong ngành vật lý”. Ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã xem lĩnh vực khoa học lượng tử có vai trò quan trọng để định hướng phát triển.
Hiện đã có nhiều công ty nổi tiếng sử dụng ý tưởng này để làm máy tính lượng tử, loại máy tính có thể giải quyết cùng lúc nhiều bài toán thay cho loại máy tính hiện nay chỉ giải được từng bài toán một. Tôi không biết cái gì sẽ xuất hiện. Nhưng tôi tin rằng có những thứ mới sẽ xuất hiện sau cuộc cách mạng lượng tử lần thứ hai.
Từ câu chuyện này, tôi khuyên các bạn trẻ đam mê khoa học tại Việt Nam rằng, trên con đường nghiên cứu khoa học, cần có sự chuẩn bị để nhận ra cái mình tìm ra. Phải có sự tận tụy theo đuổi ý tưởng của mình đến cùng. Khi tìm ra được ý tưởng mới, sẽ có những người chống lại ý tưởng đó, thì bạn cần đấu tranh để bảo vệ ý tưởng của mình. Hãy hình dung, bạn dẫm phải cát nhưng trong những hạt cát đó có lẫn viên kim cương. Điều cần là bạn phải biết là mình đã dẫm phải kim cương và nhặt nó lên. Các bạn phải thường xuyên tương tác với cộng đồng, đồng nghiệp và những người có tư tưởng đối lập chúng ta để nghiên cứu của chúng ta có giá trị cao hơn… Chưa kể, làm khoa học đôi khi cần sự gặp may.
* Xin cảm ơn GS Duncan Haldane về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc giáo sư luôn khỏe mạnh, tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
TRỌNG LỢI (thực hiện)