ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI:
Liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ
Nhiều DN vận tải đường bộ trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào đưa đón khách, giao nhận hàng hóa; đặc biệt trong quản lý dữ liệu hành khách, quản lý giao dịch, thanh toán, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng...
Là chủ DN sớm ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến vào phục vụ kinh doanh, mấy năm gần đây, Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng đã đầu tư lắp đặt nhiều thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh, như: Thiết bị giám sát hành trình tiên tiến nhất, thiết bị phát sóng wifi công suất lớn... Đồng thời, đầu tư xây dựng phần mềm bán vé trực tuyến trên nền web, qua app, tổng đài đặt vé qua điện thoại, chăm sóc khách hàng…Việc quản lý hoạt động của đơn vị cũng được số hóa thông qua các phần mềm, ứng dụng (app) .
Ông Trần Sơn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng cho biết, việc triển khai app đặt vé xe là một trong những giải pháp giúp hãng xe nâng cao hiệu quả phục vụ, trong đó có việc đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, mang đến cho hành khách trải nghiệm mua vé thuận tiện thông qua việc tự lựa chọn lộ trình, loại xe, chỗ ngồi; giúp khách hàng chủ động đi lại, giảm thiểu rủi ro khi tiếp xúc trong cộng đồng.
Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng là đơn vị ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ kinh doanh khá sớm. Ảnh: DNCC
Anh Lê Thanh Quang, 32 tuổi, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước đang công tác tại TP Đà Nẵng, khách hàng thường xuyên chọn ô tô khách của nhà xe Sơn Tùng đi lại, chia sẻ: App đặt vé của Sơn Tùng dễ sử dụng. Khởi động app, đặt vé theo hướng dẫn xong, người của DN sẽ chủ động liên lạc với mình để xác nhận việc đặt vé, địa điểm đón. Giờ đây, mỗi khi có việc cần đi vào TP Quy Nhơn hoặc ra Đà Nẵng, tôi thao tác ngay trên điện thoại để đặt vé mà không cần phải gọi điện đến tổng đài hoặc đến các phòng vé của nhà xe để mua vé.
Công ty TNHH Vận tải & Chuyển phát nhanh An Phú thành lập vào năm 2015. Hiện nay, Công ty sở hữu 6 xe khách (loại 41 - 44 ghế ngồi, 33 giường - chuyên chạy tuyến TP Quy Nhơn - TP Hồ Chí Minh và ngược lại) và 2 xe khách trung chuyển nội thành Quy Nhơn. Ông Võ Công Văn, Công ty TNHH Vận tải & Chuyển phát nhanh An Phú, cho hay: Để nâng cao chất lượng phục vụ, Công ty cho lắp thiết bị giám sát hành trình trên tất cả xe, tổng đài đặt vé, chăm sóc khách hàng, xây dựng phần mềm đặt vé trên nền web tại địa chỉ https://vexeonline.vn. Trong thời gian giãn cách xã hội, hệ thống này hỗ trợ DN rất nhiều, đặc biệt là nhờ đó nhà xe kết nối được với các đơn vị làm dịch vụ chuyển phát ở khu vực TP HồChí Minh, thực hiện dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách khá dễ dàng. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc ứng dụng lợi thế công nghệ đem lại hiệu quả vượt trội.
Theo Sở GTVT, trong 2 - 3 năm gần đây, các DN kinh doanh vận tải đường bộ trong tỉnh ngày càng quan tâm, tích cực áp dụng công nghệ, đưa thiết bị tiên tiến vào hoạt động kinh doanh. Ngoài các việc đã kể trên, một số DN còn ứng dụng Google Maps để thiết lập hành trình đưa đón khách, giao nhận hàng tiết kiệm nhất. Tiêu biểu trong lĩnh vực này là: Công ty TNHH Kinh doanh vận tải Sơn Tùng, Công ty TNHH Thương mại vận tải Trường Thịnh, Công ty xe khách Phương Trang, Công ty TNHH Vận tải & Chuyển phát nhanh An Phú, Công ty TNHH vận tải Điểm Màu... Đến nay, toàn tỉnh đã có1.700 phương tiện vận chuyển hành khách và 7.900 ô tô vận chuyển hàng hóa đã lắp thiết bị giám sát hành trình.
“Nhờ việc đặt vé trực tuyến (qua app hoặc web) thuận lợi, lượng khách mua vé đã tăng đáng kể. Các ứng dụng này hỗ trợ rất hiệu quả cho các DN trong giao dịch bán vé, thanh toán online, chuyển phát hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí... Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước cũng thuận lợi hơn. Ví dụ, ngành GTVT có thể thống kê chính xác hơn lượng hành khách di chuyển, số giờ xe vận hành trong thực tế, chất lượng phục vụ”, ông Phạm Đình Tiên - chuyên viên Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty CP Bến xe Bình Định, ứng dụng công nghệ trong dịch vụ vận tải đang nở rộ theo xu thế phát triển của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ dịch Covid-19 vẫn còn. Hoạt động này đã, đang mang lại cho ngành vận tải nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng và quản trị dịch vụ. “Tới đây, Bộ GTVT sẽ có cơ chế chính sách thúc đẩy chia sẻ, cung cấp dữ liệu dùng chung, xây dựng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải, logistics dưới hình thức giao dịch điện tử, qua đó các DN vận tải sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng, triển khai chuyển đổi số đồng bộ hơn”, ông Nhân chia sẻ.
TRỌNG LỢI