Vượt thử thách, truyền nghị lực
Phụ nữ khuyết tật mang trong mình nỗi mặc cảm khi chịu nhiều thua thiệt về thể chất, dễ tự ti trong giao tiếp và cuộc sống. Thế nhưng, nhiều chị em đã vượt qua rào cản ấy, vươn lên đầy nghị lực, quyết tâm sống có ích với gia đình, xã hội.
Đối mặt với thử thách
Để vượt qua nghịch cảnh, phụ nữ khuyết tật phải đối mặt với nhiều thử thách, trước hết là định kiến xã hội. Những ánh nhìn dị nghị, lời bàn tán sau lưng, sự nghi ngờ về năng lực cá nhân của những người xung quanh ít nhiều khiến chị em chạnh lòng.
Bận bịu luôn tay với chiếc áo dài khách đặt may gấp, chị Phan Thị Yến Hòa (ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) trải lòng, ngày còn bé, chị ngã dập xương, do chữa trị sai cách nên chân từ đó bị tật, để lại vết sẹo lớn.
Chị Hòa (bên trái) hướng dẫn chị Nay H’Uyên kỹ thuật đính hoa, kết cườm. Ảnh: D.LINH
“Đến tuổi dậy thì, tôi càng dễ xấu hổ, lo lắng đủ điều. Đi học, đến giờ ra chơi, tôi không dám di chuyển nhiều, sợ bạn bè chọc ghẹo, chê bai. Khách đến nhà cũng chỉ dám ở trong phòng, ngại gặp mặt, bố mẹ gọi mãi mới chịu ra”, chị Hòa nhớ lại.
Khi đã trưởng thành, chị lại đối mặt với sự nghi ngờ của khách hàng. Những câu hỏi: “Chân như vậy thì có may được không?”, “Nghe giới thiệu ở đây may áo dài đẹp nên ghé thử, chứ không biết thợ ở đây là người khuyết tật. Thế thì làm sao may cho đẹp được?”… không còn lạ lẫm với chị.
Định kiến xã hội dễ khiến phụ nữ khuyết tật tự ti, khó mở lòng. Chị Lê Thị Hạnh (ở xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) sinh ra đã chịu sự thiệt thòi khi tay chân và giọng nói không bình thường như các bạn đồng trang lứa. Vốn là người hướng nội, chị lại càng mang trong mình nỗi mặc cảm về khiếm khuyết của bản thân. Suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường lẫn khi trưởng thành, chị luôn cẩn trọng từng hành động, lời nói bởi luôn cảm giác có những ánh mắt đang dõi theo vì mình “khác biệt”.
Chị tâm sự: “Nhiều lúc đang hăng say làm việc, bất chợt bắt gặp ánh nhìn đấy, tôi chợt ngại ngùng và đắn đo nhiều điều. Việc giao tiếp với khách, sắp xếp và khuân vác hàng hóa… cũng gặp muôn vàn khó khăn”.
Hái quả ngọt, truyền cảm hứng
Thay vì sống chung với nỗi tự ti cả đời, phụ nữ khuyết tật lựa chọn đối mặt với thử thách và vươn lên trong cuộc sống.
Gia cảnh khó khăn, lại không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, chị Hạnh nỗ lực ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. 12 năm liền là học sinh giỏi và tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi đã chứng minh điều đó. Sau nhiều năm chật vật, chị quyết định kinh doanh online với số vốn vỏn vẹn 3 triệu đồng.
“Tôi nhớ khi ấy, mình vừa lo lắng vì sợ thất bại, nhưng cũng vô cùng háo hức vì đứng trước trang mới của cuộc đời. Nếu thành công, tôi có thể tự nuôi sống mình, được mọi người công nhận và người thân sẽ tự hào về tôi”, chị chia sẻ.
Thế là cô gái sinh năm 1992 như được tiếp thêm động lực, bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ. Bắt đầu từ 100 chiếc mũ lưỡi trai, giờ đây, chị Hạnh cung cấp hơn 2.000 mặt hàng gia dụng, sản phẩm cho mẹ và bé ở địa phương. Chị còn kinh doanh thêm cơ sở in ấn, chuyên làm biển hiệu quảng cáo. Không những tự chủ về kinh tế, chị còn giúp hơn 50 phụ nữ, phần lớn là các “mẹ bỉm sữa” đang trong thời gian ở nhà trông con và học sinh - sinh viên làm cộng tác viên bán hàng; giúp họ kiếm thêm thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Song song với tạo điều kiện cho chị em cùng phát triển kinh tế, việc truyền cảm hứng về sự lạc quan, suy nghĩ tích cực cũng là điều đáng quý. Hơn 30 năm gắn bó với nghề may, “nay chuyển mai dời” địa điểm đến hơn 10 nơi, vậy mà chưa khi nào chị Hòa muốn bỏ nghề, bởi “gắn bó quá thành quen, không làm nghề khác được”. Đến với tiệm may Yến Hòa của chị, người ta thấy đó không chỉ là nơi làm việc mà còn là “mái nhà chung” của những phụ nữ tuy khiếm khuyết nhưng luôn yêu đời.
Tập trung nhìn chị Hòa hướng dẫn cách đính hoa, kết cườm lên áo, chị Nay H’Uyên (quê ở Krông Pa, Gia Lai; đang sống và làm việc tại TP Quy Nhơn) chầm chậm làm theo một cách tỉ mỉ. Vừa làm, chị vừa kể rằng đã học việc tại đây từ 7 - 8 năm nay.
“Không chỉ tôi mà còn 5 chị em khuyết tật khác cũng gắn bó với nơi này, vừa được hướng dẫn từng đường kim mũi chỉ, vừa thường xuyên tâm sự chuyện buồn vui. Những mâm cơm rôm rả hay lúc mệt lả người vì đông khách đều để lại trong chúng tôi niềm hạnh phúc. Bởi khi đó, chúng tôi thấy mình làm được việc, không phụ thuộc vào người khác”, chị Nay H’Uyên tâm sự.
Tất bật trong mùa cao điểm, cả thầy, cả thợ đều tích cực làm việc trong không khí chan hòa. “Khuyết tật chỉ là tay chân không đẹp một chút, chứ không phải vấn đề gì nghiêm trọng cả! Chúng tôi vẫn sống có ích, vun vén cho gia đình. Quan trọng là giữ tinh thần lạc quan, yêu mình, yêu đời, rồi khó khăn nào cũng sẽ qua”, chị Hòa cười.
DƯƠNG LINH