ĐĂNG KÝ BẢO HỘ VÀ XÂY DỰNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CHO MAI VÀNG BÌNH ĐỊNH:
Góp phần phát triển sản phẩm cây mai vàng
Cây mai vàng (còn gọi là mai xuân) đã trở thành sản phẩm khá đặc trưng của Bình Định. Ðể nâng cao giá trị, danh tiếng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, Sở KH&CN đang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) triển khai đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này.
Nghề trồng mai vàng ở Bình Định hình thành từ lâu, phát triển ở nhiều địa phương của tỉnh, trong đó mạnh nhất là TX An Nhơn. Ông Lê Minh Toán, Chủ tịch Hội Sinh vật Cảnh TX An Nhơn, chia sẻ: Hiện có nhiều giống mai vàng, nhưng được hâm mộ nhất vẫn là giống mai giảo và cúc mai.
Sau nhiều năm cung ứng cây hoa cho thị trường cả nước, người trồng mai ở Bình Định hiểu rõ thị hiếu của nhiều nhóm khách hàng từ trong Nam đến ngoài Bắc, lên đến Tây Nguyên. Sở trường của các nhà vườn Bình Định là những chậu mai thế. Những chậu mai này được người làm vườn cần mẫn cắt tỉa, kéo, uốn liên tục để đảm bảo thanh thoát mà vẫn tròn tán, mịn chi cành, khi trổ sẽ đều hoa cả cây từ dưới lên đến chóp. Đặc biệt, người trồng mai Bình Định có khả năng đặc biệt trong kỹ thuật tạo đế và quan tâm phát triển kỹ thuật này, do đó khi nhìn qua đã có thể đoán được xuất xứ cây mai.
Nghề trồng mai vàng Nhơn An (TX An Nhơn) trên đà phát triển. - Trong ảnh: Một người dân ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An đang chăm sóc mai vàng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Xét về số lượng cây cũng như diện tích vùng chuyên canh, những vùng trồng mai của Bình Định có thể không lớn bằng nhiều tỉnh, thành ở miền Nam (như Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp…) nhưng với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vào mỗi vụ mai Tết, tỉnh Bình Định lại được mệnh danh là thủ phủ mai xuân của cả nước.
“Mai vàng Bình Định khi được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, Sở KH&CN tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển sản phẩm, như: Xây dựng bộ nhận diện riêng cho sản phẩm (bao bì, nhãn mác, đóng gói, tập huấn phương pháp kỹ thuật chăm sóc cây mai…). Đồng thời, tiếp tục xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm khác về nông nghiệp, thủy sản của tỉnh, trong đó ưu tiên các sản phẩm có quy mô...” .
Phó Giám đốc Sở KH&CN VÕ CAO THỊ MỘNG HOÀI
Hầu hết các nhà vườn miền Nam đều tạo dáng cho mai theo lùm, cốt lấy cây cao lớn, tán rộng, khi cây trổ sẽ cho nhiều hoa, nhìn sung mãn, đó là theo thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào Nam bộ. Mai vàng Bình Định lại có nét đặc trưng riêng, theo đó từ lúc còn non cây hoa đã được đào luyện theo bố cục, dáng thế (phổ biến nhất là cây dáng trực, thế rồng bay lên) và đặc biệt là những năm đầu tiên, nhà vườn nào cũng dốc lòng chăm sóc bộ đế của cây hoa sao cho bề thế, ưa nhìn, đẹp mắt. Riêng điều này thôi đã mất rất nhiều công phu, vì lẽ thứ gì làm lại cũng được nhưng đế thì chịu thua. Ông Lê Văn Sáu, chủ vườn mai Sáu Hồng, ở xã Nhơn An, TX An Nhơn, khẳng định: Nguyên cây mai Bình Định gần như không có cành nào đi thẳng mà dài hơn 1 tấc. Vì thế đến mùa lặt lá chờ trổ bông, nhìn cây mai Bình Định có thể thấy ngay sự uyển chuyển, bay bổng bởi chi tàn đẹp như nghệ sĩ đang múa.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, chủ nhiệm dự án “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng của tỉnh Bình Định”, cho biết: Qua hội thảo góp ý hoàn thiện bản mô tả, hồ sơ đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng Bình Định, đại biểu, nghệ nhân thống nhất khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng của tỉnh, gồm 7 huyện, thị xã (trừ các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và Hoài Ân). Logo đăng ký bảo hộ sản phẩm sẽ được chỉnh sửa phù hợp dựa trên đặc trưng riêng biệt của mai vàng Bình Định “đơn cành, thưa tán, gốc bồ, ngọn chỉ”. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Sở KH&CN sẽ trình Cục Sở hữu trí tuệ xem xét, quyết định.
“Hy vọng trong năm nay, mai vàng Bình Định sẽ được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Một khi được bảo hộ, mai vàng Bình Định sẽ nâng tầm thương hiệu sản phẩm, đảm bảo độ tin cậy về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cho người tiêu dùng. Từ đó, giúp người trồng mai bảo vệ được tên tuổi, uy tín cho sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để tỉnh đầu tư, phát triển cây mai vàng theo chuỗi giá trị, gắn sản phẩm với vùng địa danh để phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng mai. Hơn hết, tiến tới xuất khẩu mai vàng Bình Định sang thị trường quốc tế”, bà Hoài nhấn mạnh.
TRỌNG LỢI