Phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản thường xuất hiện vào mùa hè, là bệnh truyền nhiễm cấp tính có tỷ lệ tử vong cao, 50% người bệnh có các di chứng thần kinh tâm thần. Do có hệ miễn dịch yếu và nếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, nên trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản lớn.
Bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền qua muỗi Culex. Loài muỗi này nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh hoặc hút máu người đang mắc bệnh viêm não Nhật Bản, sau đó truyền sang người lành thông qua vết đốt của muỗi.
Muỗi Culex là con đường trung gian lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
Khi mắc bệnh viêm não Nhật Bản, người bệnh trải qua giai đoạn ủ bệnh thông thường là từ 5 - 14 ngày, trung bình là khoảng 7 ngày, trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng gì đặc biệt. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát với triệu chứng sốt cao 390C - 400C, kèm theo còn có các triệu chứng khác như đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1- 2 ngày kế tiếp có thể gặp những dấu hiệu như cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay tăng phản xạ gân xương. Tiếp đến là giai đoạn toàn phát, triệu chứng nổi bật nhất là tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú.
Giai đoạn lui bệnh, sang tuần thứ hai, nhiệt độ cơ thể giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không bị bội nhiễm vi khuẩn khác và nếu bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ thì các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần. Tuy nhiên sau đó, người bệnh viêm não Nhật Bản có thể sẽ phải đối mặt với một số di chứng tâm thần và thần kinh ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Bệnh viêm não Nhật Bản nếu không được điều trị đúng, kịp thời, có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi, hoặc gây viêm bể thận, viêm bàng quang, rối loạn chuyển hóa, rối loạn tâm thần... Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp những di chứng muộn sau vài năm hay thậm chí vài chục năm mới bộc lộ như động kinh và Parkinson.
Để phòng bệnh cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi; khơi thông cống rãnh, tránh ao tù nước đọng để hạn chế muỗi đẻ trứng và sinh sản lăng quăng; các dụng cụ đựng nước sạch cần được đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng; nằm màn khi đi ngủ; phun thuốc diệt muỗi; tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).
THÙY VY
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)