Triển khai các giải pháp ngăn chặn phá rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), từ năm 2020 đến nay, ngành kiểm lâm tăng cường triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Mặc dù số vụ việc vi phạm có giảm, song tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn chưa dứt điểm.
Đáng chú ý là vẫn còn nhiều vụ việc xảy ra do buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở, nhiều chủ rừng chủ quan dẫn đến vi phạm kéo dài, thậm chí tính chất vi phạm còn nghiêm trọng hơn. Chỉ trong tháng 7.2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 2 vụ phá rừng liên quan đến rừng phòng hộ ở 2 huyện Vĩnh Thạnh và Phù Mỹ. Hiện cơ quan chức năng từng bước khoanh vùng vi phạm, đánh giá mức độ thiệt hại; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có thông tin đầy đủ về vụ việc.
Hạt kiểm lâm huyện Phù Mỹ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra diện tích rừng phòng hộ ở xã Mỹ Hiệp bị lấn chiếm để trồng keo vào đầu tháng 7 vừa qua. Ảnh: TƯỜNG QUÂN
Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho biết: “Trước tình trạng phá rừng vẫn còn âm ỉ, đặc biệt ở vùng rừng giáp ranh, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ…, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục yêu cầu các hạt kiểm lâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngăn ngừa, giám sát, bảo vệ, đồng thời chú trọng công tác phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ cộng đồng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra và vận động người dân tăng cường ý thức bảo vệ rừng”.
Theo phân tích của ngành kiểm lâm, những vụ việc vi phạm gần đầy đều có điểm chung là mức độ lấn chiếm mỗi lần với quy mô nhỏ, lẻ; lấn chiếm ở khu vực rừng hỗn giao để trồng xen cây keo; cách thức vi phạm cũng khá thô sơ (chặt tỉa thưa cây bản địa, khoanh vùng gây chết các cây bản địa rồi trồng kết hợp keo lai hoặc một số cây hoa màu khác…). Điều này cho thấy người dân chủ yếu lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp vào mục đích sản xuất, do vậy muốn ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng, Chi cục Kiểm lâm chú trọng công tác tuyên truyền. Thời gian tới, đơn vị tổ chức các đợt tuyên truyền, phối hợp với từng hạt kiểm lâm, các xã, thị trấn có diện tích rừng để xây dựng riêng các phương án phù hợp nhằm phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, Chi cục giao các hạt kiểm lâm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nhân rộng mô hình “Giải pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật” theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT, trong đó nhấn mạnh vào đặc thù của từng địa phương để có cách triển khai linh hoạt. Từ năm 2020 đến nay, ngành kiểm lâm phối hợp thực hiện và thành lập được 81 tổ công tác với 1.080 thành viên để thực hiện rà soát, thống kê diện tích nương rẫy giáp ranh với rừng tự nhiên, trong đó: Vĩnh Thạnh 19 tổ, An Lão 11 tổ, Phù Cát 49 tổ, Phù Mỹ 1 tổ, An Nhơn 1 tổ. Các tổ công tác đã rà soát các diện tích sản xuất nương rẫy trên địa bàn, kiểm tra, định vị tọa độ, đánh dấu vẽ sơ đồ 1.984 nương rẫy (trong đó có 1.280 nương rẫy xác định được chủ, số còn lại đang phối hợp để xác định).
Ngành kiểm lâm cũng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tổ chức cho 886 chủ nương rẫy ký cam kết bảo vệ rừng, không phá rừng, lấn chiếm biên rừng. Qua kiểm tra, rà soát, tổ công tác phát hiện 26 vụ vi phạm lấn chiếm biên, phá rừng để sản xuất với diện tích 30.698 m2, tập trung chủ yếu ở địa bàn Vĩnh Thạnh, xử lý vi phạm với số tiền 500 triệu đồng, buộc trồng lại toàn bộ rừng trên diện tích vi phạm. Đồng thời, các hạt kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện 50 vụ vi phạm, đã xử lý 41 vụ, còn lại tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên ngành truy tìm đối tượng.
Theo Chi cục Kiểm lâm, sau thời gian tạm yên do dịch bệnh Covid-19, hiện nay có nhiều dấu hiệu rừng đã bị xâm hại trở lại. Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chính quyền các cơ sở thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch và khẩn trương triển khai thực hiện việc bảo vệ rừng. “Quan trọng nhất là đảm bảo sinh kế cho người dân, cộng đồng cư dân ven rừng, giảm áp lực lên rừng. Có như vậy, người dân mới chủ động tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng”, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho hay.
THU DỊU