CUỘC THI SÁNG TẠO THANH THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2022:
Giải pháp hay, mô hình sáng tạo
“Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để hỗ trợ học tập môn Sinh học cấp THPT” và “Máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng” là hai giải pháp, mô hình đạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IX - năm 2022.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Bình Định - Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi, nhận xét: “Đây đều là những giải pháp có tính sáng tạo, ứng dụng cao trong học tập và sản xuất, đời sống”.
Máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng
Em Nguyễn Thế Phong (học sinh lớp 8A1, Trường THCS Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn), chủ nhân mô hình “Máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng”, chia sẻ: Người dân Hoài Sơn quê em đa phần gắn bó với nghề nông. Những năm qua, cơ giới hóa trong thu hoạch nông sản dần phổ biến. Tuy nhiên, việc phơi, giê, thu gom nông sản chủ yếu vẫn làm thủ công, mất nhiều công, thời gian và chi phí. Nhiều khi gặp trời mưa, bà con không kịp thu gom nên nông sản thường bị ướt, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Từ đó, em nảy ra ý tưởng làm chiếc máy tích hợp 3 chức năng “phơi, giê, thu gom” nông sản, hỗ trợ nông dân sau mỗi vụ thu hoạch.
Mô hình “Máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng” của Nguyễn Thế Phong. Ảnh: TRỌNG LỢI
Với sự hỗ trợ của thầy giáo Dương Đức Thắng, giáo viên dạy môn Vật lý, Trường THCS Hoài Sơn, năm 2021, Phong lên kế hoạch chế tạo chiếc máy. Sau hơn 3 tháng mày mò, tìm kiếm vật liệu, chế tạo, chiếc máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng hoàn thành. Tuy vậy, thời gian đầu thử nghiệm, khâu thu gom chưa đạt như kỳ vọng, vì hạt nông sản (bắp, lúa) bị nát. Nguyên nhân do trục gắn chổi quét có kích cỡ không phù hợp. Sau khi trục xoắn được khắc phục, máy chạy êm.
Linh kiện dùng chế tạo máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng chủ yếu tận dụng từ những thiết bị cũ, như: Động cơ xe máy, trục xoắn máy gặt liên hợp, các puli… Máy hoạt động dựa trên cơ chế khi kéo cần số liên hợp, dây cu roa bám vào puli làm hai trục gắn hai chổi quay ngược chiều quét nông sản vào máng, đưa lên ống đứng trước khi đổ vào thùng chứa. Đồng thời, trước khi nông sản vào thùng chứa, quạt quay tạo gió thổi hạt lép và bụi bẩn ra ngoài cửa thải, đổ vào bao đã bố trí sẵn. Nhờ thanh thép đàn hồi, tạo độ rung, nông sản được rải đều trên máng và xuống sân phơi.
“Chi phí để hoàn thiện mô hình máy phơi, giê và thu gom nông sản đa năng khoảng 2 triệu đồng. Máy gọn, dễ dàng di chuyển, người dân lao động đều sử dụng được, phù hợp từng nông hộ ở địa phương. Máy được đầu tư nâng cấp kích thước lớn hơn, có thể dùng trong các trang trại lớn”, Phong chia sẻ.
VIDEO: PHAN TUẤN
Sách Sinh học ứng dụng công nghệ thực tế ảo
Một năm trước, hai nữ sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An (TX Hoài Nhơn) là Nguyễn Thục Nguyên (lớp 10 Toán Tin) và Đoàn Thị Trà (lớp 10 Sinh) lên ý tưởng ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để xây dựng cuốn sách Sinh học. Mặc dù lúc này đang bước vào giai đoạn nước rút ôn thi cuối kỳ, song cả hai đều cố gắng mày mò nghiên cứu sản phẩm. 7 tháng sau, thành công đến với các em.
Giải pháp “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để hỗ trợ học tập môn sinh học cấp THPT” của Nguyễn Thục Nguyên và Đoàn Thị Trà. Ảnh: TRỌNG LỢI
Thục Nguyên cho biết, một số chủ đề Sinh học cấp THPT có thể ứng dụng công nghệ AR để làm sinh động và dễ hiểu hơn thông qua các hình ảnh, video minh họa, như: Phân bào (lớp 10), Sinh học cơ thể người và động vật (lớp 11), Di truyền học (lớp 12). Mỗi hình ảnh minh họa trong bài học có tích hợp công nghệ AR. Những hình ảnh ở mỗi chủ đề trong sách được thiết kế để hiển thị mô hình 3D, các video giới thiệu, video bài giảng khi sử dụng ứng dụng và có màu sắc tương ứng với kiến thức ở bài học ấy. Với giải pháp công nghệ này, học sinh dễ dàng tự học tập và tra cứu chính xác, hiệu quả nội dung kiến thức trên 2 phần mềm cài sẵn trong điện thoại thông minh.
Thục Nguyên chia sẻ: “Giảng dạy chủ động là phương pháp được thầy, cô giáo áp dụng trong trường THPT. Theo đó, người học vừa đóng vai trò là đối tượng của hoạt động dạy, vừa là chủ thể của hoạt động học. Các hoạt động học tập chủ yếu do giáo viên tổ chức và chỉ đạo. Từ đó, học sinh tự khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp đặt. Với phương pháp giảng dạy mới này, chúng em khá bỡ ngỡ khi tiếp cận, tìm kiếm tư liệu, kiến thức cho bài học đối với các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn Sinh học. Từ thực tế đó, chúng em nghĩ ra ý tưởng, xây dựng giải pháp với mong muốn giúp các bạn dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu nội dung bài học tốt hơn từ sách ứng dụng công nghệ AR”.
Qua cuốn sách môn Sinh học ứng dụng công nghệ AR, Thục Nguyên hy vọng giúp các bạn có những trải nghiệm sinh động, thú vị khi tiếp cận tìm hiểu những mô hình, kiến thức Sinh học. Đôi bạn cũng chia sẻ thời gian tới sẽ hướng đến phát triển thêm nhiều sản phẩm sách tích hợp công nghệ AR ở nhiều môn học khác nhau, như: Hóa học, Vật lý, Toán học…
TRỌNG LỢI