PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ RỐI LOẠN SỨC KHỎE TÂM THẦN:
Tăng tỷ lệ tầm soát phát hiện sớm
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm
Theo thống kê của Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm (KLN) là nguyên nhân gây chết hàng đầu, lớn hơn tất cả nguyên nhân chết khác cộng lại. Riêng năm 2019, chết do bệnh KLN chiếm 81,4% số ca chết do mọi nguyên nhân; trong đó, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính chiếm tới 66,2%. Đặc biệt, có 41,5% trường hợp chết xảy ra trước 70 tuổi. Bên cạnh đó, số ca chết do các rối loạn sức khỏe tâm thần (RLSKTT) cũng chiếm đến 5,3%.
Bệnh tăng huyết áp được xem là sát thủ giấu mặt.- Trong ảnh: Khám tầm soát tăng huyết áp tại Trạm Y tế xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Ảnh: Đ. THẢO
Theo Kế hoạch, mục tiêu chung là tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và chết sớm do bệnh KLN như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản; các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các RLSKTT khác. Qua đó, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp liên ngành, hoàn thiện các chính sách về phòng, chống bệnh KLN và RLSKTT, tỉnh yêu cầu 100% các huyện, thị xã, thành phố phải có kế hoạch và triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh KLN và RLSKTT giai đoạn 2022 - 2025. Bên cạnh đó, đến năm 2025, toàn tỉnh có 95% trạm y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh có ít nhất 3 nhóm thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, 2 nhóm thuốc điều trị bệnh đái tháo đường; đồng thời thực hiện dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh KLN khác theo quy định.
Bác sĩ Cao Hoàng Dạ Thảo, Trưởng Trạm Y tế Nhơn Tân, TX An Nhơn, cho biết: Nhơn Tân là 1 trong những xã được hưởng lợi từ chương trình theo dõi, phát thuốc bệnh nhân tăng huyết áp của Viện Tim mạch, thuộc Bệnh viện Bạch Mai, TP Hà Nội từ năm 2011. Theo đó, chúng tôi khám và phát thuốc định kỳ 1 lần/ tháng. Năm ngoái vì dịch Covid-19 nên bị ngưng, năm nay hoạt động trở lại. Bên cạnh tăng huyết áp, chúng tôi cũng thực hiện truyền thông, hướng dẫn các bệnh KLN khác và tư vấn nếu có trường hợp cần biết về các RLSKTT để họ có thể tiếp cận với dịch vụ khám, chữa bệnh phù hợp.
Tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị
Để kịp thời phát hiện và sớm điều trị các bệnh KLN và các RLSKTT, việc tầm soát, phát hiện từ cộng đồng rất quan trọng. Theo đó, Kế hoạch đưa ra các mục tiêu để tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh KLN và RLSKTT. Tùy theo độ tuổi, người dân sẽ được khảo sát sàng lọc theo từng bệnh phù hợp. Cụ thể, ít nhất 50% người trưởng thành, trong đó 80% người từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp 1 lần/ năm để phát hiện sớm tăng huyết áp; ít nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường; ít nhất 60% người từ 40 tuổi trở lên được khám sàng lọc 1 lần/năm để xác định nguy cơ mắc bệnh hô hấp mãn tính; ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng theo hướng dẫn sàng lọc từng loại ung thư...
Đối với các RLSKTT, đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số RLSKTT theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; 100% trạm y tế xã thực hiện quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh; 50% số trạm y tế xã quản lý cấp thuốc điều trị cho người bệnh trầm cảm.
Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết: Sức khỏe tâm thần rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến KT-XH, an ninh trật tự. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm được kiến thức phổ thông về sức khỏe tâm thần. Vì không có kiến thức phổ thông nên dễ có ác cảm khi đến Bệnh viện Tâm thần hay được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám. Do vậy, hằng năm, Bệnh viện đều tổ chức các đợt tập huấn cho y tế xã, phường, thị trấn. Chính nhờ đội ngũ y tế xã, phường, thị trấn mà nhiều người dân được tư vấn, hướng dẫn phù hợp. Qua Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, người dân được hưởng lợi nhiều hơn về vấn đề phát hiện sớm và phòng, chống các bệnh về RLSKTT.
ĐỖ THẢO