Triển khai cấp thuốc lao qua BHYT: Bệnh nhân khó khăn được hỗ trợ mua BHYT
Từ ngày 1.7, thay vì sử dụng thuốc từ ngân sách nhà nước, bệnh nhân lao có thẻ BHYT sẽ nhận thuốc từ nguồn BHYT.
Bệnh nhân chưa có BHYT sẽ được hỗ trợ
Trước đây, thuốc chống lao hàng 1 (bệnh lao thông thường) được mua bằng ngân sách nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Tuy nhiên, từ năm 2021, khi Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số kết thúc, hoạt động phòng chống lao sử dụng nguồn ngân sách hoạt động thường xuyên của Bộ Y tế. Lao là căn bệnh cần điều trị lâu dài nhưng 70% người mắc bệnh lao là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, do vậy, việc thanh toán thuốc và các chi phí khác qua BHYT giúp giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân.
Từ ngày 1.7.2022, toàn bộ bệnh nhân lao có BHYT sẽ sử dụng thuốc chống lao do BHYT chi trả.
- Trong ảnh: Bệnh nhân khám bệnh bằng BHYT tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định. Ảnh Đ. THẢO
Chương trình chống lao của Bình Định phủ sóng ở toàn bộ 159 xã, phường. Riêng tuyến huyện có 12 tổ chống lao, trong đó có 11 tổ ở 11 huyện, thị, thành phố và 1 tổ ở trại giam Kim Sơn. Tổ chống lao của tuyến huyện có 3 người/tổ; ở tuyến xã, mỗi xã có 1 cán bộ y tế phụ trách việc cung ứng thuốc cho bệnh nhân lao. Vì được phủ sóng rộng rãi, người dân đều được đến khám tại các trạm y tế, theo nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của thẻ BHYT. Mạng lưới phòng chống lao của tỉnh ta đảm bảo công tác khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị dự phòng cho tất cả bệnh nhân lao.
Theo Thông tư 36 của Bộ Y tế về việc sử dụng nguồn thuốc lao do BHYT chi trả, từ ngày 1.7.2022, toàn bộ bệnh nhân lao có BHYT sẽ sử dụng thuốc chống lao do BHYT thanh toán. Như vậy, BHYT sẽ chi trả công chẩn đoán và tiền thuốc cho bệnh nhân. Với những bệnh nhân chưa có BHYT, ông Võ Kiên Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, cho biết: Trước mắt, những bệnh nhân không có thẻ BHYT vẫn sử dụng thuốc của chương trình chống lao quốc gia. Về lâu dài, các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu của các địa phương sẽ lập danh sách những bệnh nhân chưa có BHYT gửi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định. Sau đó, chúng tôi sẽ lập danh sách toàn tỉnh gửi đến Quỹ PASTP (Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo chiến thắng bệnh lao). Quỹ này sẽ mua BHYT giúp họ. Các bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể dựa vào Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh để được hỗ trợ mua BHYT với cách thức như trên. Để tiến hành cấp thuốc lao qua BHYT, các TTYT tuyến huyện phải ký phụ lục hợp đồng với BHYT tỉnh. Hiện nay, TTYT TX Hoài Nhơn và TTYT huyện Phù Cát đã ký xong phụ lục hợp đồng.
Tỉnh ta đảm bảo tất cả bệnh nhân lao sẽ có BHYT và không để quá trình điều trị bị gián đoạn. Hiện các TTYT: TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn, huyện Vân Canh đã gửi danh sách bệnh nhân chưa có BHYT và Khoa Dược (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) sẽ cung cấp thuốc về cho các trường hợp này.
Chủ động tìm bệnh nhân
Theo Chương trình chống lao quốc gia, đến năm 2030 Việt Nam sẽ thanh toán bệnh lao. Theo định hướng, tỉnh Bình Định đã và đang triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này.
Ông Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định, cho biết: Người mắc bệnh lao có thể ủ bệnh trong vòng 30 năm mới phát. Để thanh toán bệnh lao đến năm 2030, mạng lưới phòng chống lao tỉnh sẽ ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, phương pháp điều trị mới, phương pháp quản lý mới, huy động sức mạnh cộng đồng. Hiện công tác phòng chống lao có rất nhiều tiến bộ như thuốc mới, trong đó có những phác đồ mới. Bên cạnh đó, có nhiều kỹ thuật xét nghiệm mới để phát hiện bệnh lao nhanh như X-quang, GeneXpert, test miễn dịch để phát hiện lao tiềm ẩn... Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đọc phim X-quang, sử dụng xe X-quang di động để có thể chụp phim cho hàng loạt người dân trong cộng đồng.
Để thanh toán bệnh lao, việc phát hiện chủ động đóng vai trò quan trọng. Ông Tuấn cho biết thêm: Ngày trước bệnh lao được phát hiện thụ động qua việc tổ chức các buổi tuyên truyền để mọi người nhận biết các triệu chứng và đến khám nếu có dấu hiệu. Từ năm 2020, việc phát hiện bệnh lao dựa trên điều tra dịch tễ và nhờ đó chúng tôi phát hiện một tỷ lệ rất lớn bệnh nhân lao không có triệu chứng đang tồn cư trong cộng đồng và âm thầm lây lan. Hiện nay, nhờ xe X-quang, áp dụng công nghệ AI, có thể chủ động phát hiện và phát hiện rất sớm các trường hợp mắc bệnh lao thay vì xét nghiệm đờm như trước đây. Sử dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm thời gian phát hiện chậm hơn và nhiều lúc bệnh nhân không có đờm. Trong đó, dùng xe X-quang áp dụng công nghệ AI có thể chụp hàng loạt, ít tốn kém. Giai đoạn đầu có thể chụp cho những người triệu chứng nghi lao, sau đó rà soát chụp nhiều lần, chụp định kỳ. Quan điểm chống lao của ta giờ là chủ động tìm bệnh nhân chứ không phải chờ bệnh nhân tìm đến các cơ sở y tế nữa. Tuy nhiên, vì vướng nhiều quy định, chúng tôi chưa thể tự mua xe X-quang được. Hy vọng thời gian tới, tỉnh, Sở Y tế và các ban, ngành liên quan hỗ trợ để Bệnh viện có thể mua được xe càng sớm thì việc rà soát, phát hiện chủ động càng hiệu quả và tiến đến thanh toán bệnh lao vào năm 2030.
ĐỖ THẢO