Ðưa công nghệ thực tế ảo vào bảo tồn di tích
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu phát triển hệ thống mô hình hóa và quản lý hiện vật bảo tàng và di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Bình Định” được Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN (Trường ĐH Quy Nhơn) triển khai từ tháng 4.2020. Trong khuôn khổ đề tài, Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) là nơi đầu tiên tại Bình Định thử nghiệm mô hình bảo tàng ảo.
Hiện vật đá ong tại Bảo tàng Quang Trung được mô hình hóa bằng công nghệ 3D trở nên sống động hơn. Ảnh: N.S
Cử nhân Nguyễn Lâm Sinh (Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN), chủ nhiệm đề tài, cho biết: Cho tới nay, chúng tôi đã mô hình hóa 120 hiện vật, 5 di tích lịch sử tại Bảo tàng Quang Trung. Đồng thời, hoàn thành hệ thống phần mềm quản lý hiện vật, trưng bày ảo và thuyết minh ảo cho các hiện vật, di tích lịch sử, bảo tàng trên địa bàn tỉnh Bình Định, mà trước tiên là áp dụng cho Bảo tàng Quang Trung. Trong hệ thống mô hình hóa và quản lý hiện vật bảo tàng, di tích lịch sử, các hiện vật sẽ được số hóa một cách chi tiết bằng phương pháp đo đạc, xử lý ảnh, tính toán lưới, công nghệ quét laser, quét ảnh 3D. Nhờ vậy, hiện vật được tái hiện chính xác vị trí trong không gian 3D ảo và có thể tương tác một cách trực quan 3 chiều.
Bảo tàng Quang Trung đang lưu giữ, trưng bày hơn 11.000 tài liệu, hiện vật thời Tây Sơn. Cuối năm 2019, Bảo tàng Quang Trung đã thực hiện gắn mã QR cho các tư liệu, hiện vật để khách tham quan dễ dàng tìm hiểu thông tin qua điện thoại thông minh. Tuy vậy, việc các hiện vật trưng bày trong tủ kính khiến du khách khó có thể cảm nhận được hết những giá trị của hiện vật. Với công nghệ tương tác ảo 3D, khách tham quan có thể quan sát được từng chi tiết hoa văn trang trí trên hiện vật kèm theo thông tin đầy đủ; khám phá hình ảnh và âm thanh chân thực. Ngoài ra, nếu muốn tìm hiểu từ xa, du khách có thể đăng ký để được Bảo tàng hỗ trợ.
Theo bà Lê Thị Kim Nga,Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN, công nghệ thực tế ảo sẽ cung cấp thông tin thực tế, đa chiều, tạo ra một không gian ảo mượt mà và sinh động. Thông tin trên bảo tàng 3D sẽ làm người xem tò mò, muốn đến bảo tàng để nhìn thực tế. Từ đó, thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan trong nước và quốc tế đến với TP Quy Nhơn, Bình Định.
Việc sử dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động bảo tàng sẽ bảo vệ và quảng bá giá trị của hiện vật hiệu quả hơn nhiều. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, chia sẻ: Công nghệ này còn giúp chúng tôi giải bài toán phục chế những tư liệu, hiện vật quý hiếm; đồng thời, thực hiện công tác kiểm kê nhanh hơn, bảo quản và giữ gìn tư liệu, hiện vật cũng an toàn và lâu dài.
Trong kế hoạch tiếp theo, Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN dự tính triển khai áp dụng mô hình tại Bảo tàng Bình Định và một số di tích trên địa bàn tỉnh như: Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, Thành Hoàng Đế, Đài Kính Thiên… Ngoài ra, “chúng tôi sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ 3D để in các hiện vật, di tích làm thành sản phẩm du lịch, tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách khi đến tham quan Bình Định”, bà Nga cho biết thêm.
NAM SƠN