Hoài Ân xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản địa phương
Công tác xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường là việc làm quan trọng. Vì vậy, nhiều năm qua, UBND huyện Hoài Ân đã phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để được cấp văn bằng bảo hộ cho sản phẩm đặc trưng ở địa phương.
Bưởi Hoài Ân được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể đã giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Trương Quang Thắng, công chức Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoài Ân, cho biết: Đến nay, huyện Hoài Ân đã có 5 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, gồm 1 nhãn hiệu tập thể Bưởi Hoài Ân và 4 nhãn hiệu chứng nhận Trà Gò Loi, Gà ta thả vườn Hoài Ân, Heo Hoài Ân, Dừa xiêm Hoài Ân. Đồng thời, huyện đã hoàn tất hồ sơ đăng ký 2 nhãn hiệu chứng nhận Mít thái Hoài Ân, Tiêu hột Hoài Ân và đang trong thời gian thẩm định kết quả. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đăng ký tiếp nhãn hiệu chứng nhận Gạo hữu cơ Hoài Ân.
Trong các sản phẩm đặc trưng ở huyện Hoài Ân, bưởi da xanh là sản phẩm được đánh giá có tiềm năng, hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người dân chọn đầu tư để phát triển kinh tế. Theo thống kê của UBND huyện, Hoài Ân hiện có hơn 300 ha bưởi da xanh, trong đó 160 ha đã cho quả, với chất lượng tốt. Hiện nay, người dân của huyện đang tập trung đầu tư trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Để hỗ trợ người dân, UBND huyện cũng xúc tiến xây dựng và hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm để nghề trồng bưởi phát triển bền vững.
Dừa xiêm Hoài Ân cũng thuộc nhóm các loại cây trồng chủ lực của địa phương. Toàn huyện đã trồng hơn 500 ha, trong đó đã có 200 ha cho quả. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, người trồng dừa xiêm không ngừng cập nhật kỹ thuật canh tác, chọn lựa những giống dừa chất lượng tốt nhất để đầu tư. Nhờ đó, năng suất dừa xiêm đã đạt khoảng 20.000 quả/ha với phẩm cấp cao. Đáng mừng, từ lúc dừa xiêm Hoài Ân được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm được nhiều thị trường biết đến, khách hàng chọn mua nhiều hơn, điều này giúp việc tiêu thụ rất ổn định.
Diện tích cây chè Gò Loi được người dân trồng, phát triển khá hiệu quả. Ảnh: TRỌNG LỢI
Năm 2019, trà Gò Loi cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, mở ra cơ hội mới cho đặc sản này. Ông Nguyễn Hữu Oanh, ở xã Ân Tường Tây, cho hay: Từ khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm trà Gò Loi đã có bước phát triển ổn định. Hiện nay, HTX Trà Gò Loi đã thành lập. Sản phẩm trà được quy về một mối, giúp công tác quản lý chất lượng sản phẩm thuận tiện hơn. Từ khi có HTX, chúng tôi có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, hiện đã trồng mới thêm 9 ha chè Gò Loi, nâng tổng diện tích trà hiện có gần 20 ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ trồng chè Gò Loi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo hướng VietGAP, thậm chí một số hộ còn chuyển lên canh tác theo hướng tiếp cận hữu cơ. Nhờ thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý, phát triển thương hiệu, nên sản phẩm trà Gò Loi đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường và cạnh tranh sòng phẳng về mặt chất lượng, giá với các loại trà khác trong cả nước.
Theo Sở KH&CN, việc xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương (trong đó có ở huyện Hoài Ân) chỉ là bước đầu và không chỉ dừng lại ở giải pháp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà còn phải được bảo vệ, giữ gìn, tiếp tục phát triển nhằm nâng cao uy tín, sức ảnh hưởng của sản phẩm, dịch vụ mang tên gọi đó cũng như uy tín của địa phương, chủ thể tạo ra sản phẩm. Đồng thời, phải chú trọng cải tiến chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm kết hợp với công tác quản lý, khai thác thương hiệu một cách hiệu quả.
Nếu giải quyết hài hòa hai yếu tố này thì các sản phẩm đặc trưng ở địa phương sẽ phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Do vậy, thương hiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương cần được tiếp tục quan tâm và coi trọng việc quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.
TRỌNG LỢI