KỶ NIỆM 77 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2.9
Về đất liền - về một người tù chính trị Côn Đảo
Anh rể của tôi là Trương An. Anh cưới chị Tư của tôi - chị Bùi Thị Xuân Lâm, vào năm 1953. Khi đó anh là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, kiêm Chính ủy Trung đoàn 120, đang đóng quân tại xã Bình Quang, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Lúc này, Bình Định là vùng tự do của cách mạng. Ngay sau ngày cưới, chị Tư tôi cùng anh chị em thanh niên xung phong ở Bình Quang lên đường đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Anh rể tôi cũng tức tốc lên đường tiếp tục chỉ huy thắng lợi trận Át Lăng - đánh thực dân Pháp, giải phóng Kon Tum. Đây là trận đánh lớn ở miền Trung có ý nghĩa chia lửa với chiến trường phía Bắc, để cùng quân đội ta giành thắng lợi lớn, toàn diện trên chiến trường Điên Biên Phủ ngày 7.5.1954, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông Trương An, người Quảng Trị, tham gia cách mạng từ năm 1935 khi mới 15 tuổi. Thời gian đầu ông làm liên lạc, tham gia rải truyền đơn và vận động bãi thị ở huyện Cam Lộ.…
Ông từng bị chính quyền Nam triều bắt nhiều lần. Địch bắt rồi lại thả ra vì thấy ông tuổi còn nhỏ, vả lại không có chứng cứ cụ thể.
Lần sau cùng ông bị địch bắt vào cuối năm 1942 khi ông là Ủy viên Lâm thời Xứ ủy Trung kỳ. Ông bị địch giam cầm ở các nhà tù Quảng Trị, Nghệ An, Đà Nẵng, Hội An, Sơn La…Ông bị chính quyền Nam triều xử 18 năm tù khổ sai…rồi sau bị buộc tội hoạt động cộng sản ở Đà Nẵng, tuy cũng có Luật sư bào chữa, nhưng công tố vẫn buộc tội tử hình. Sau có giảm nhẹ do tuổi tác còn trẻ, nên chuyển thành tù chung thân…Với hai án tù, tổng cộng 38 năm, ông bị giam tại nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội) …chờ ngày phát vãng…
Vào cuối năm 1943, ông bị địch đày ra nhà tù Côn Đảo cùng với một số tù chính trị nặng ở nhà lao Hỏa Lò và nhà lao Sơn La.
Tù chính trị ở Côn Đảo bị địch tra tấn nhiều cực hình, vô cùng tàn ác, dã man. Đã có hàng nghìn chiến sĩ cộng sản anh dũng hy sinh nơi đây cùng với người nữ chiến sĩ cách mạng anh hùng Võ Thị Sáu.
Sau bao lần bị địch tra tấn với nhiều cực hình dã man, chết đi sống lại, may mắn sao, ông Trương An vẫn còn sống sót cùng một số các đồng chí chiến sĩ cộng sản khác…kiên cường và thoi thóp… được đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Côn Đảo được giải phóng…
Câu chuyện “Về đất liền” sau đây được ông kể trong tập Ký ức cách mạng NHỮNG CHUYỆN KHÓ QUÊN TRONG GIAI ĐOẠN 1935-1945, ( NXB Trẻ - 2004). Xin được trích gửi đến bạn đọc.
Những ngày chờ đợi trôi qua, tin mừng đã đến
Côn Đảo giải phóng, tù chính trị trở thành người chủ trên đảo. Cờ đỏ sao vàng bay khắp nơi. Các tổ chức cách mạng được thành lập. Ban đêm đèn điện vẫn đỏ, vẫn có người qua lại trên đường phố. Một vài cửa hàng ăn nhỏ được dựng thêm. Đội phòng thủ đảo, thay nhau trực canh gác, đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra. Chúng tôi được tin Pháp gây hấn ở Nam bộ…
Tất cả chúng tôi rạo rực, bồn chồn, mong sớm được trở về đất liền.
Mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo. Một ngày, hai ngày rồi tiếp nữa, chiếc ca nô của bác Tôn Đức Thắng sửa chữa vẫn chưa xong.
Đêm 17.9.1945, trời tối lắm. Xa xa người ngoài biển khơi, có ánh đèn lấp lánh, rồi sáng dần. Bỗng có tiếng còi tàu hú lên, một chiếc tàu thủy tiến vào bờ, rồi dừng hẳn lại, cách bờ chừng hai cây số.
Đội phòng thủ gấp rút báo cáo về Đảo ủy. Tin lan ra. Các phòng xôn xao bàn tán, không rõ tàu đó của ai? Nếu là địch, sao nó dừng lại rồi im bặt. Nếu đó là tàu của ta, sao lại không vào vịnh? Thì ra, tàu dừng lại, vì người chỉ huy không nhận rõ hướng vào eo vịnh. Anh Tưởng Dân Bảo, đại diện đoàn tàu đã nói lại khi gặp chúng tôi.
Đơn vị sư đoàn 3 tiến vào Côn Đảo. (Nguồn: Báo Tin tức)
Mờ sáng ngày 19.9.1945, một chiếc xuồng phòng hộ chiếc tàu bơi vào. Khi lên bờ, một đồng chí trẻ tuổi đến gặp đồng chí Bùi Sinh và đồng chí Nguyễn Hữu Đan (Ban chỉ huy Đội phòng thủ) trình bày: “Bác Tưởng Dân Bảo báo cho các bác biết, tàu đó là tàu của ta, do Chính phủ cử ra để đón các bác về gấp đất liền, không thể chậm trễ được. Pháp đã đánh Sài Gòn rồi.” Ngoài chiếc tàu thủy, còn có một số ghe do bác Lý Văn Chương vận động đồng bào ở Gò Công cho mượn, cũng đã đến nơi.
Được tin, Đảo ủy chỉ thị cho Đội phòng thủ hướng dẫn tàu quay qua phía eo vịnh, trước mặt chính của đảo.
Chiếc tàu thủy đến, thả neo xong. Lần lượt các thuyền buồm từ ngoài khơi tiến vào, một chiếc, hai chiếc.. cho đến hơn hai mươi chiếc. Chiếc nào cũng lớn, miền Nam gọi là “ghe bầu”. Mỗi chiếc có thể chứa từ năm mươi đến tám mươi người.
Đồng chí Tưởng Dân Bảo, trưởng đoàn cho biết tình hình diễn biến ở đất liền, Pháp đã gây hấn trở lại, đánh vào các thành phố lớn. Tàu thủy ở cảng chưa tiếp quản được, phải mượn một số tàu của tư nhân và vận động thuyền trong dân cấp tốc ra đón anh em về, không thể chậm trễ được. Bây giờ phải tính xem, tổng số có bao nhiêu, nếu không đưa hết về cùng một lúc, thì sắp xếp những đồng chí ở cương vị lãnh đạo cần về trước, còn lại bao nhiêu sẽ tiếp tục đưa về sau.
Trời trở gió, tàu và thuyền phải ở lại vài hôm, mà Đảo ủy cũng cần có thời gian sắp xếp đội ngũ và đi viếng mộ lần cuối những đồng chí đã hy sinh anh dũng như Mộ đồng chí Lê Hồng Phong, mộ đồng chí Nguyễn An Ninh… và nhiều nấm mộ không có bia, có mộ đã bị sạt lở, còn lơ thơ mấy cây cỏ dại. Tất cả đều được khấn vái và cắm nhang...
Theo quyết định của Đảo ủy, những đồng chí già yếu, bệnh tật và một số đồng chí ở cương vị lãnh đạo được sắp xếp về trước. Số còn lại sẽ tiếp tục về sau. Nếu tính số người ra Côn Đảo từ những năm 1930- 1931 còn lại, với số bị bắt trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ , cộng với số tù từ đoàn Sơn la và Hỏa Lò đày ra cuối năm 1943, thì số tù chính trị chỉ còn trên dưới 2.000 người. Những năm qua, anh chị em chúng tôi đã nằm lại Hàng Keo vài trăm đồng chí. Như vậy tàu thủy chở được khoảng 200 người, mỗi thuyền chở khoảng năm mươi - sáu mươi người, cũng suýt soát đủ. Ngoài ra, còn có ca nô của Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Phạm Hùng và mấy đồng chí thợ cơ khí đã sửa chữa xong, có thể chở thêm một số người.
Ngoài cuộc mít tinh chào đón phái đoàn Chính phủ khi đến, cuộc mít tinh khi tiễn đưa càng sôi động hơn, đầy lưu luyến giữa người được về trước và người còn ở lại, về chuyến sau.
Rạng sáng ngày 23 .9.1945, chúng tôi rời Côn Đảo lên đường trở về đất liền. Tàu nhổ neo, các thuyền tiếp tục nối đuôi nhau ra biển.Tôi đi cùng một số đồng chí già yếu bằng tàu thủy. Đứng trên boong tàu, nhìn trở lại, chúng tôi bảo nhau: “Nếu cách mạng chậm thành công, nếu đảng và nhà nước chậm đưa tàu ra, nếu không có sự đóng góp, giúp đỡ tận tình của nhân dân cung cấp ghe tàu, thì chúng ta cũng sẽ bỏ xương ở hòn đảo xa xôi này như bao đồng chí khác”.
Sau khi trở lại xâm lược nước ta, vừa mới bắt đầu ổn định tình hình trong đất liền, Pháp bèn cho quân ra chiếm lại Côn Đảo với hy vọng số tù cộng sản còn bị giam ở đó. Nhưng chúng tôi đã sớm về đất liền để cùng cả dân tộc tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai.
Lòng dân khi tiếp đón
Tối 23.9 cho đến sáng ngày 24.9 năm 1945, đoàn tàu và thuyền chúng tôi lần lượt ghé bến Đại Ngãi (Sóc Trăng), do thành phố Sài Gòn đã bị thực dân Pháp xâm chiếm trở lại. Tàu Phú Quốc đến trước, rồi lần lượt các thuyền nối đuôi nhau thả neo ở giữa lòng sông hẹp và cạn. Cảm động làm sao, từ biển vào đến sông cái, rồi con sông ở Đại Ngãi, hai bên bờ chật ních người đứng đón. Những tiếng “Hoan hô chiến sĩ Côn Đảo trở về” vang lên. Chắc trong đó có những người thân của những đồng chí đã bị địch bắt đày Côn Đảo, nay không rõ đã chết hay còn sống trở về..
Trở về - ngày chiến thắng. Ảnh tư liệu (Nguồn: tuoitre.vn)
Đội tự vệ người Khơ Me với giáo mác trong tay đứng sẵn một bên đường cũng nhiệt liệt hoan hô chào đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về bằng tiếng Việt.
Trên các xuồng con từ bờ chèo ra, cứ hai người dân công kênh nhau, ghé vai vào mạn tàu để đưa chúng tôi xuống và dẫn về nhà, không phân biệt quen, lạ, Bắc, Nam, đó là người thân hay không phải là người thân. Nhà nào cũng làm sẵn mâm cơm với tôm cá, thị heo, thịt gà cùng các món ăn đặc sản địa phương. Nhiều loại trái cây đã bắt đầu chín rục sau mấy ngày hái xuống chờ đón anh em chúng tôi trở về.
Nhà nào cũng có đồng chí chúng tôi đến ở, cũng được nghe kể chuyện Côn Lôn. Chúng tôi khó thoát khỏi vòng vây của các cháu nhỏ áp vào và hỏi: “Chú! Chú! Cực khổ như vậy mà các chú sống được à? Sao không thấy có cô nào cả?” Các cháu thật ngây thơ và đáng yêu.
Chúng tôi chỉ ở nhà dân có một hôm, rồi sắp xếp tập trung ở trường dòng Taberd, một địa điểm tổ chức tiếp đón theo quyết định của Trung ương và Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp đón chúng tôi rất chu đáo, áo quần, giầy, mũ cả thuốc chữa bệnh được chu cấp đầy đủ.
Ở đây, có những buổi tối, chúng tôi đã tổ chức các buổi diễn “văn nghệ” diễn lại các vở kịch tự biên tự diễn khi còn ở nhà tù Côn Đảo để đấu tranh với kẻ địch và nhắc nhau giữ vững tinh thần, khí tiết cách mạng, như vở “Chiến sĩ và Hằng Nga”; hay kể lại trận phủ đầu khi lên bờ; cảnh ngồi xếp hàng chờ nhấp vài giọt nước uống. Chúng tôi còn lên sân khấu diễn tả lại bằng hành động cảnh “ Múa phượng hoàng” cảnh “tắm chim”, cảnh nhặt thóc khi ăn cơm, cảnh bị phạt ở hầm xay lúa và ở chuồng bò... Đồng bào đến xem chật ních sân trường. Có tiếng tấm tắc khen, có tiếng chắt lưỡi, lại cũng có cả tiếng khóc gây xúc động lòng người. Chốc chốc có tiếng hô “Hoan hô chiến sĩ Côn Đảo trở về”, “ Đả đảo thực dân Pháp”, “Cách mạng Việt Nam muôn năm!”
Chia tay, tiếp tục lên đường vì nhiệm vụ
Cuộc kháng chiến Nam bộ đã bùng nổ. Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân đứng lên chống giặc cứu nước.
Chúng tôi không còn thì giờ để nghỉ ngơi nữa mà phải bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới. Hầu hết các đồng chí trong đoàn tù Sơn La - Hỏa Lò, từ Côn Đảo trở về, đều tình nguyện ở lại miền Nam chiến đấu. Các đồng chí được phân công mỗi người mỗi nơi, theo yêu cầu nhiệm vụ. Đa số các đồng chí ở Nam bộ cũng được quyết định trở về tỉnh nhà tham gia kháng chiến. Tôi được phân công hoạt động ở Cần Tho, Mỹ Tho, Biên Hòa được một thời gian ngắn, thì có quyết định của Trung ương giao cho Xứ ủy Trung bộ, nơi đang thiếu nhiều cán bộ và cũng là nơi mà trước đây, tôi đã nhiều năm hoạt động trong thời kỳ bí mật 1940-1942…
BÙI THỊ XUÂN MAI