Đồng vốn thoát nghèo
Ðược sự hỗ trợ của các cấp Hội LHPN trong tỉnh, nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có được nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để tạo sinh kế, từng bước thoát nghèo.
Hiệu quả từ nguồn vốn vay
Cặm cụi vô đất hơn 2.000 chậu mai ở mảnh vườn mới, chị Lê Thị Nga (ở xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) bày tỏ phấn khởi khi nhìn lại hành trình hơn 6 năm phát triển kinh tế nhờ cây mai.
Chị kể, ngày trước, gia đình chị thuộc diện cận nghèo. Hai vợ chồng cày ruộng, làm gạch mãi cũng chỉ xây được căn nhà nhỏ, con cái vì thế cũng thiệt thòi hơn so với chúng bạn.
“Dù rất muốn khởi nghiệp nhưng vì không có vốn nên tôi không thể xoay sở. Trong lần nói chuyện với chị em phụ nữ ở xã, tôi ngỏ ý nhờ “gỡ rối”. Chị em nói về chương trình cho hộ cận nghèo vay của Ngân hàng CSXH, đồng thời hướng dẫn các thủ tục cần thiết để tôi có thể tiếp cận được nguồn vốn nhanh nhất”, chị Nga nhớ lại.
Bà Lê Thị Nga (giữa) giới thiệu vườn mai của mình với Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (trái). Ảnh: D.L
Có 50 triệu vốn vay, tận dụng mảnh đất vườn do cha mẹ để lại, chị Nga bắt đầu tìm hiểu và học cách trồng, chăm bón cây mai. Dần dần, số cây mai trong vườn ngày càng tăng, tạo động lực cho chị tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm và 20 triệu từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Sau hơn 6 năm, đến nay, chị sở hữu khoảng 5.000 chậu mai, đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi mùa. Gia đình chị thoát cận nghèo; thu nhập ổn định tạo điều kiện để chị kinh doanh thêm quán giải khát.
Tương tự, chị Đào Thị Thanh Vĩnh (ở phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn) sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để mở rộng quy mô cơ sở sản xuất đồ thủ công làm từ mây tre đan.
Từ mong muốn tận dụng thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập, chị Vĩnh mở cơ sở quy mô nhỏ chuyên làm các vật dụng từ mây tre đan tại nhà, chỉ có khoảng 3 - 5 lao động, chủ yếu là chị em trong khu vực lân cận. Nhìn thấy tiềm năng của cơ sở, Hội LHPN phường động viên chị Vĩnh vay 50 triệu từ Ngân hàng CSXH để đầu tư thêm máy móc, thiết bị, mở rộng mặt bằng, từ đó tăng số lượng sản phẩm đưa ra thị trường.
Đến nay, doanh thu mỗi năm của cơ sở đạt 1,8 - 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 40 lao động, trong đó gần 30 người là phụ nữ. Thu nhập mỗi người cũng tăng từ vài trăm nghìn đồng lên 4 - 5 triệu đồng/tháng.
“Sử dụng vốn vay không chỉ giúp tôi mở rộng quy mô kinh doanh mà còn tạo điều kiện giúp chị em có việc làm ngay tại địa phương, cải thiện nguồn thu nhập, từ đó yên tâm chăm lo cho mái ấm”, chị Vĩnh nói.
Để đồng vốn đến đúng chỗ
Nhiều lợi ích là vậy nhưng để phụ nữ, nhất là chị em ở nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận, hiểu và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay là điều không đơn giản.
Trước hết là tâm lý “ngại mang nợ”, ngại làm các hồ sơ, thủ tục. Do đó, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, từng bước tháo gỡ tâm lý e ngại trong hội viên, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ chị em hoàn thành giấy tờ vay vốn theo hướng nhanh chóng, thuận tiện.
Sau khi cho vay, các cấp hội chủ động lắng nghe nhu cầu, quan tâm, sát cánh cùng hội viên trong suốt quá trình phát triển kinh tế, tạo tâm lý thoải mái cho chị em yên tâm khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác tập huấn cho các tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm ở cơ sở cũng được chú trọng, bởi đây là kênh tiếp cận gần nhất, có lợi thế trong việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hội viên; từ đó khích lệ chị em tận dụng nguồn vốn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Là một trong 20 cá nhân được UBND TX Hoài Nhơn tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm phối hợp thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, bà Phạm Thị Ngư (Tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm khu phố Trường An 2, phường Hoài Thanh) cho biết: “Để giúp chị em dễ tiếp cận nguồn vốn hơn, người làm công tác trên cần tích cực nâng cao hiểu biết về quy trình, nghiệp vụ triển khai các chính sách tín dụng thông qua các lớp tập huấn. Đồng thời, tạo sợi dây liên kết giữa các thành viên trong tổ và giữa các chị em có mong muốn, nhu cầu khởi nghiệp nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn”.
DƯƠNG LINH