Có 31 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước
Mức độ công khai ngân sách của các tỉnh cải thiện không đáng kể so với năm 2020 và điểm xếp hạng trung bình của các tỉnh chỉ tăng 0,44 điểm so với năm 2020.
“Năm 2021, có 31 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về Ngân sách Nhà nước, tăng 4 tỉnh so với năm 2020”. Đây là thông tin được đưa ta tại Lễ công bố Chỉ số công khai ngân sách Tỉnh (POBI) năm 2021 được tổ chức sáng nay (28.9) tại Hà Nội. Sự kiện do Trung tâm Phát triển và hội nhập và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức.
Bảng xếp hạng chỉ số POBI 2021.
Đây là lần thứ 5 chỉ số POPI được công bố. Kết quả khảo sát POPI 2021 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các tỉnh cải thiện không đáng kể so với năm 2020. Điểm xếp hạng trung bình POPI của các tỉnh đạt 69,53/100 điểm, tăng 0,44 điểm so với năm 2020. Năm 2021, có 31 tỉnh công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước, tăng 4 tỉnh so với năm 2020; số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 24 tỉnh; số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 6 và 2 tỉnh.
Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng đạt 98,59 điểm; Khánh Hòa xếp thứ hai với 92,69 điểm và Lai Châu xếp thứ ba với 91,99 điểm. Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Ninh là ba tỉnh có sự tiến bộ vượt bậc trong kết quả xếp hạng POBI 2021 so với năm 2020. Trong khi đó, Ninh Bình, Tây Ninh và Lâm Đồng lại là ba tỉnh có sự sụt giảm đáng kể về thứ bậc trên bảng xếp hạng lần lượt là 38 bậc, 35 bậc và 23 bậc. Các tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng là: Bình Phước, Hà Tĩnh, Lào Cai.
Với trụ cột có sự tham gia của người dân, POBI 2021 chỉ ra rằng, nhiều tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Trong trách nhiệm giải trình kết quả khảo sát cho thấy, cần cải thiện mức độ giám sát và trách nhiệm giải trình của HĐND cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Quang Thương, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập, khảo sát POBI 2021 cho thấy có 5 tỉnh đạt 91 điểm trở lên, trong đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu xếp hạng; điều này cho thấy việc công khai ngân sách theo như Luật Ngân sách nhà nước 2015 hoàn toàn có thể thực hiện được.
“Thông qua thực hiện các chỉ số về POBI sẽ giúp tăng niềm tin của công chúng đối với quá trình quản lý ngân sách của Nhà nước. Qua 5 năm thực hiện khảo sát POBI chứng tỏ nỗ lực của UBND và Sở Tài chính trong việc công khai ngân sách. Trong năm đầu tiên (2017) không có tỉnh nào đạt mức độ công khai đầy đủ của ngân sách. Nhưng đến nay, 1/2 số tỉnh đã đạt được mức độ công khai đầy đủ, điều đó chứng tỏ rằng POPI là công cụ hữu hiệu”, ông Thương cho biết.
Đại diện nhóm nghiên cứu - ông Vũ Sỹ Cường cũng đưa ra đề xuất, các tỉnh cần khắc phục ngay việc bắt buộc phải công bố theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và Luật Tiếp cận Thông tin năm 2016. Đối với những tỉnh làm chưa tốt, cần thực hiện đúng và đầy đủ, công khai kịp thời các thông tin ngân sách, tránh tình trạng đi thụt lùi. Đồng thời cho rằng, việc duy trì công khai các tài liệu ngân sách của các năm là cần thiết và sẽ góp phần không những phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin mà còn sử dụng cho kiểm chứng về tính tin cậy của các thông tin về ngân sách.
“Các tỉnh sẽ tiếp tục duy trì để công khai ngân sách trong nhiều năm để có nguồn thông tin cho người dân, cho chuyên gia trong quá trình xem xét. Sự tham gia của người dân vẫn còn khá hạn chế, đây là một vấn đề cần tiếp tục cải thiện. Trách nhiệm giải trình trụ cột này cũng cần tiếp tục phải cải thiện rất nhiều, đặc biệt là tăng cường vai trò của HĐND các cấp cũng như vai trò của cơ quan dân cử trong việc công khai, minh bạch, như việc giám sát công khai, minh bạch của các cơ quan hành pháp như UBND các tỉnh./.
(Theo Thúy Hằng/VOV1)