Trung tâm khuyến nông tỉnh: Chuyển giao kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn cho người dân
Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) đã xây dựng một số mô hình thâm canh rừng cây gỗ lớn, trồng 150 ha cây keo lai tại các huyện miền núi và trung du trên địa bàn tỉnh. Các mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân, đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương, sử dụng vốn khuyến nông Trung ương.
Theo đó, nhờ nguồn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ năm 2020 - 2022, Bình Định triển khai mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn ở huyện Vân Canh với quy mô 95 ha/32 hộ tham gia; năm 2022, xã Vĩnh An (Tây Sơn) và Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh) được chọn với quy mô 55 ha. Tháng 9.2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cây gỗ lớn cho người dân ở 2 xã này, đồng thời, đặt cây giống, chuẩn bị vật tư nông nghiệp, hướng dẫn chủ rừng xuống giống.
Mô hình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn bằng giống keo lai cấy mô do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tại huyện Vân Canh. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông tỉnh
Theo kỹ sư Nguyễn Thành Trung, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh - người trực tiếp triển khai mô hình rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai cấy mô, hiện cây trồng tại các mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn do Trung tâm triển khai đang phát triển tốt. Đặc biệt những vùng rừng trồng thí điểm vào năm 2020 nay phát triển tốt, tỷ lệ cây sống lên tới hơn 95%, cao hơn 5 m, đường kính từ 5,5 - 6,5 cm. Đối với mô hình trồng thí điểm năm 2021, tỷ lệ sống trên 95%, cây cao trên 2 m, đường kính từ 2,8 - 3,8 cm. Các mô hình này đều sử dụng giống keo cấy mô dòng AH1, AH7 và BV 75, qua theo dõi không có sâu bệnh phát triển.
So với rừng trồng thông thường như lâu nay, điểm khác của trồng rừng gỗ lớn là mật độ trồng, chăm sóc và chu kỳ khai thác. Theo đó, đối với trồng rừng gỗ lớn chu kỳ khai thác bắt đầu từ năm thứ 10 trở đi, thời gian kéo dài do vậy mật độ trồng cũng giảm; việc chăm sóc, tỉa cành đòi hỏi đúng quy trình để đảm bảo chất lượng. “Thông thường người dân quen trồng mật độ dày (2.500 - 4.000 cây/ha, khai thác sớm (4 - 5 năm) nên khi chuyển qua trồng thâm canh cây gỗ lớn nhiều hộ còn e dè. Dù vậy, qua thực tế 2 mô hình thí điểm năm 2020, 2021, chính nhiều hộ dân ở ngoài mô hình đã sớm nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa rừng gỗ lớn và rừng thông thường; đầu tư ban đầu giảm nhiều, cây trồng phát triển tốt và nhanh. Vì thế, một số người đã tìm hiểu để tự thực hiện!”, ông Trung cho hay.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bước đầu các mô hình thí điểm khá thuận lợi, các hộ tham gia đều là những hộ có kinh nghiệm trồng rừng và từng bước chuyển hướng phát triển rừng gỗ lớn. Phía Trung tâm Khuyến nông chủ động kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai các nội dung của dự án đúng tiến độ. Những khó khăn hầu hết là tạm thời, chủ yếu do người dân chưa quen với kỹ thuật mới, chu kỳ khai thác rừng gỗ lớn kéo dài, tỷ lệ rủi ro sẽ tăng cao. Hơn nữa, tỉnh ta chưa có nhiều chính sách khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn khiến người dân e dè.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đánh giá: Ban đầu cũng có một số khó khăn nhất định, song đến nay mọi thứ đều đảm bảo yêu cầu đặt ra. Việc Trung tâm thí điểm thực hiện mô hình trong bối cảnh tỉnh ta khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, đã đáp ứng được nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương. Đồng thời, mô hình của Trung tâm góp phần tạo sự thay đổi, chuyển biến cho người dân trong việc tham gia chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn trong thời gian tới.
THU DỊU