Tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung phát triển đột phá
(BĐ) - Ngày 5.10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến đánh giá tình hình KT-XH của tỉnh 9 tháng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2022 (ảnh).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo UBND tỉnh về tình hình KT-XH 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2022 cho thấy, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 9 tháng tăng 8,92% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 0,09 điểm phần trăm (GDP cả nước tăng 8,83%), xếp thứ 7 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 3 Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,04%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,88% (riêng công nghiệp tăng 9,96%); dịch vụ tăng 13,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,94% so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
3 tháng cuối năm, UBND tỉnh xác định 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 mà HĐND tỉnh đã giao.
Trong đó đáng chú ý là tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ CP ngày 17.3.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản, phấn đấu tăng trưởng cả năm của ngành đạt kế hoạch.
Về sản xuất công nghiệp, xây dựng, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư; theo dõi đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án công nghiệp quy mô lớn; tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch.
Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế để phấn đấu vượt dự toán thu HĐND tỉnh giao.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến 31.12.2022 tỷ lệ giải ngân đạt 95%, đến 31.1.2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao tất cả nguồn vốn…
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đi sâu phân tích những nội dung, chỉ tiêu phát triển cụ thể của tỉnh thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng còn lại của năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các ngành, các địa phương trong thực hiện phát triển KT-XH 9 tháng năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho hay, phương hướng điều hành, thực hiện nhiệm vụ KT-XH thời gian tới dựa trên chỉ tiêu HĐND tỉnh giao và các chỉ tiêu UBND tỉnh giao tại Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13.1.2022 và sẽ được thống nhất bằng hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu KT-XH theo từng tháng, từng quý, từng năm. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng dữ liệu thường xuyên các chỉ tiêu KT-XH. Căn cứ theo số liệu, chỉ tiêu đã xây dựng, các sở, ngành, địa phương tập trung phân tích, đánh giá và đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, nhất là với phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KHĐT chủ trì phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và các ngành có liên quan triển khai đề xuất lập bảng biểu số liệu các chỉ tiêu KT-XH, tập huấn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cục Thống kê tỉnh chủ động chuyển số liệu hằng tháng, hằng quý cho Sở KHĐT và các sở, ngành, địa phương để thống nhất và làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho các cuộc họp hằng tháng, họp theo chuyên đề, họp hằng quý đánh giá tổng thể.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành địa phương đổi mới cách làm việc theo phương châm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”. Theo đó, các sở, ngành, địa phương dành 60% - 70% thời gian làm việc quản lý nhà nước thường xuyên, còn 30% - 40% thời gian nghiên cứu đổi mới, nghiên cứu đề xuất ý tưởng sáng tạo mới trong ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, DN phát triển.
Các sở, ban, ngành đề xuất các giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực trên từng địa bàn từ năm 2023 trở đi. Văn phòng UBND tỉnh đổi mới cách làm, đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành, địa phương, nghiên cứu, chủ động đề xuất các giải pháp trên lĩnh vực theo dõi.
Trong tháng 10, lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành, địa phương để từ đó xây dựng các chỉ tiêu KT-XH năm 2023. Các sở, ngành nghiên cứu đề xuất phương án, chỉ tiêu KT-XH năm 2023 và phương hướng, giải pháp đột phá. Trước mắt cần phát huy nội lực, khai thác tốt các dư địa tăng trưởng, bằng những ngành nghề đã có sự chuyển đổi, đổi mới; khuyến khích phát triển năng lực người dân, DN. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, giải quyết thấu tình đạt lý, giải quyết xong các công việc phát sinh trong ngày. Đề nghị các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tham gia hỗ trợ, đóng góp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung hoàn thành chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022, đề xuất các đột phá để phát triển cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Hoàn thiện phương án phòng chống lụt bão. Lưu ý các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành công việc, giải quyết thủ tục hành chính; thí điểm áp dụng chuyển đổi số ở một số lĩnh vực của các ngành Văn hóa, Y tế, GD&ĐT, Du lịch…
Đồng chí Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý các ngành liên quan đề xuất những giải pháp đảm bảo an ninh trật tự và vấn đề quản lý đất đai, môi trường…
MAI HOÀNG