Lãi suất huy động tiếp tục tăng: Người gửi tiền vui, người vay lo lắng
Các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động giúp các tổ chức, cá nhân gửi tiết kiệm được hưởng lợi cao hơn, góp phần củng cố vốn cho ngân hàng. Tuy vậy, ở chiều ngược lại, các DN cần vốn lại lo lắng lãi suất cho vay tăng cao kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu và việc hoàn trả nợ vay phải điều chỉnh.
1. Mới áp dụng lãi suất huy động thời hạn 6 tháng trở lên từ 0,4 - 0,5%/năm trong ngày 30.9.2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định) lại tiếp tục công bố lãi suất huy động mới hấp dẫn hơn. Ông Lê Vũ Cảnh, Phó Giám đốc Sacombank Bình Định, cho biết: Từ ngày 6.10, ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,4 - 0,7%/năm cho tất cả kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng khi giao dịch tại quầy. Khách hàng gửi tiền trực tuyến được hưởng lãi suất cao hơn giao dịch tại quầy là 0,5%/năm thay vì 0,3%/ năm như thời điểm ngày 30.9.2022. Cùng với các hình thức huy động vốn thông thường, ngân hàng cung cấp thêm các gói dịch vụ tiết kiệm với lãi suất cạnh tranh, như: Tiết kiệm Phù Đổng, trung niên Phúc Lộc, Đại Phát, Trung hạn Đắc Lợi… giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn.
Nhân viên Sacombank Bình Định tư vấn khách hàng gửi tiền tiết kiệm. Ảnh: TIẾN SỸ
Không chỉ riêng Sacombank, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng trần lãi suất điều hành tiền gửi từ 4% lên 5%/năm, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đã nhanh chóng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Cách đây không lâu, lãi suất tiết kiệm 7%/năm là rất hiếm thì nay mức lãi suất nói trên trở nên phổ biến, thậm chí các ngân hàng: Bắc Á, SCB, SHB, Bản Việt… còn áp dụng lãi suất 7%/năm cho cả kỳ hạn 6 tháng. Ngoài việc tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, nhiều ngân hàng còn áp dụng các chương trình khác nhau nhằm “hút” tiền gửi tiết kiệm.
Ðáng chú ý, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank cũng đã nhập cuộc đua lãi suất, với mức tăng từ 0,5 - 1%. Theo ông Nguyễn Văn Thúy, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Vietcombank Bình Định), việc tăng lãi suất huy động hiện nay là phù hợp với xu hướng chung của thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng, đáp ứng yêu cầu vốn vay cho khách hàng, nhất là thời điểm các DN đang tăng tốc đầu tư phát triển kinh doanh.
Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động giúp người dân và DN gửi tiết kiệm được hưởng mức lợi cao hơn. Vừa gửi 100 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định), chị N.T.N.A, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, cho biết: So với tháng trước, lãi suất tiền gửi hiện nay đã tăng đáng kể, nhờ đó mà tiền lãi cũng cao hơn. Hơn nữa, khi cần, mình có thể rút toàn bộ tiền gửi trước hạn nhưng vẫn được hưởng mức lãi suất bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất, để thực hiện phương án khác lãi nhiều hơn.
2. Trong khi đó, nhiều DN lại lo ngại lãi suất huy động tăng “nóng” kéo lãi suất cho vay tăng theo. Ông N.V.P, kế toán trưởng một DN vận tải hành khách tại TP Quy Nhơn cho biết, phía ngân hàng đã thông báo tăng lãi suất cho vay thêm từ 1% - 2%/năm, do mặt bằng lãi suất huy động tăng lên. Hiện lãi suất vay có tín chấp đã là 15,9%/năm và vay thế chấp là 13,3%/năm. Dẫu biết lãi suất tiền vay tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào tăng lên, ảnh hưởng đến doanh thu và việc hoàn trả nợ vay, nhưng trong lúc đang cần vốn, nếu không vay vốn sẽ không đảm bảo tài chính để đầu tư kinh doanh.
Dù không công bố cụ thể về mức tăng lãi suất cho vay, nhưng ông Lê Vũ Cảnh, Phó Giám đốc Sacombank Bình Định cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng tăng cao hơn lãi suất hiện tại là điều chắc chắn, giá mua cao ắt giá bán phải cao.
Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, thì mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay, nhất là khi tỷ giá USD đang tăng mạnh, gia tăng áp lực lên tỷ giá VND. Lãi suất tiền vay tăng sẽ khiến các DN gặp khó khăn, nhất là đối với DN không đủ nguồn lực, công cụ để có thể dự phòng rủi ro tỷ giá.
PHẠM TIẾN SỸ