Tỉnh Bình Định còn chịu ảnh hưởng từ 1 - 2 cơn bão
Theo các chuyên gia dự báo thời tiết nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, thời tiết có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 60 - 65% và khả năng còn kéo dài sang các tháng đầu năm 2023. Ông Lương Ngọc Lũy, Phó Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định (thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ TN&MT) trao đổi với Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
● Thưa ông, theo dự báo chung thì bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm sẽ xuất hiện dồn dập vào cuối năm nay. Ông có thể thông tin cụ thể hơn?
- Mặc dù số lượng bão, ATNĐ trong năm 2022 được nhận định ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ (TBNN có khoảng 12 - 14 cơn bão, ATNĐ; trong đó, có khoảng 5 - 7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền) nhưng chúng tôi nhận định các tháng cuối năm 2022, nguy cơ thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021.
Riêng khu vực miền Trung, tình hình mưa lớn dồn dập; các cơn bão, ATNĐ có cường độ mạnh, hướng di chuyển phức tạp xuất hiện vào các tháng cuối năm nay. Đặc biệt, không loại trừ khả năng các tháng đầu năm 2023 vẫn còn xuất hiện bão, ATNĐ hoạt động trên khu vực Nam Biển Đông. Bởi vậy, cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét trong khoảng thời gian này.
● Khu vực tỉnh Bình Định sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
- Từ nay đến cuối năm 2022, dự báo bão, ATNĐ, mưa lớn xảy ra dồn dập hơn mọi năm. Dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 7 - 9 cơn bão và ATNĐ. Trong số đó, khả năng có 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, chủ yếu ở khu vực Trung bộ; trong đó, có tỉnh Bình Định. Vùng biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, ATNĐ có độ cao sóng từ 4 - 6 m tại vùng ven bờ, vùng biển ngoài khơi sóng cao từ 5 - 8 m.
Riêng khu vực tỉnh Bình Định từ nay đến cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1 - 2 cơn bão. Cùng với đó, các tháng cuối năm nay, dự báo lượng mưa cao hơn TBNN cùng thời kỳ, cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa lớn dồn dập. Nhiều khả năng mùa mưa ở khu vực tỉnh Bình Định sẽ kết thúc muộn so với TBNN; các tháng 10 - 11.2022 là thời kỳ cao điểm của mùa mưa nên cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực Bình Định.
Chúng tôi nhận định lượng mưa ở Bình Định trong tháng 10 phổ biến ở mức cao hơn TBNN từ 20 - 50% (450 - 600 mm); tháng 11 lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN từ 30 - 50% (450 - 580 mm); tháng 12 lượng mưa phổ biến cao hơn TBNN từ 15 - 30% (150 - 230 mm). Từ tháng 1 - 3.2023, lượng mưa giảm nhiều nhưng vẫn cao hơn TBNN cùng kỳ từ 10 - 30% (lượng mưa TBNN tháng 1 - 2.2023 từ 50 - 100 mm).
Mưa lớn dồn dập và kéo dài từ tháng 10 - 12.2022, khiến mực nước các sông dao động và khả năng xuất hiện 2 - 3 đợt lũ vừa và lớn, đỉnh lũ cao nhất ở mức báo động II - III, có nơi trên báo động III. Từ tháng 1 - 2.2023, mực nước các sông có xu thế giảm.
● Với xu thế thời tiết dự báo như trên, ở góc độ chuyên môn ông có khuyến cáo gì để các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh chủ động ứng phó?
- Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh sẽ theo dõi chặt chẽ các hiện tượng thời tiết, phát các bản tin dự báo, cảnh báo sớm khi có thiên tai và cập nhật theo sát diễn biến thiên tai để các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương và người dân trong tỉnh có kế hoạch chủ động ứng phó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh trực cập nhật diễn biến thời tiết để phát tin dự báo. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Người dân nên theo dõi thường xuyên các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; đồng thời, tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của ngành chức năng, chính quyền địa phương để chủ động phòng, tránh thiên tai khi có cảnh báo. Đối với người dân ở các khu vực ven núi, vùng xung yếu, vùng trũng, thấp cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập lụt...
Riêng trên biển, do ảnh hưởng của bão và ATNĐ, cộng với các đợt không khí lạnh tăng cường mạnh vào các tháng cuối năm 2022 sẽ gây sóng cao, nên ngư dân cần chủ động phòng ngừa, không hoạt động khi có cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển; các vùng ven biển trong đất liền cần đề phòng ảnh hưởng của bão và ATNĐ gây sóng lớn làm sạt lở đê sông, đê biển…
● Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)