Tuổi trẻ Bình Ðịnh xung kích tham gia chuyển đổi số
Với sức trẻ, sự nhạy bén, đoàn viên, thanh niên được xác định là lực lượng đi đầu trong thực hiện chủ trương chuyển đổi số. Nhanh chóng nắm bắt và làm chủ công nghệ, tuổi trẻ trong tỉnh đã và đang chủ động, xung kích thực hiện hiệu quả chủ trương này.
Đưa công nghệ số đến người dân
Sáng 8.10, gần 100 ĐVTN thuộc nhiều tổ Công nghệ số cộng đồng đã có mặt tại chợ khu 6 (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) hướng dẫn tiểu thương, người đi chợ cách cài đặt các ứng dụng thanh toán không cần tiền mặt (Viettel money), Bình Định SmartCity; hướng dẫn người dân các kỹ năng cơ bản để sử dụng thành thạo các tiện ích trên nền tảng số, ứng dụng số cơ bản.
Tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bình Định SmartCity, Viettel money. Ảnh: C.H
Ban đầu, một số người còn ngần ngại, thậm chí từ chối vì cho rằng các ứng dụng này phức tạp. Song, nhờ sự kiên trì vận động và hướng dẫn của các bạn trẻ, nhiều tiểu thương đã cài đặt, sử dụng thành công các ứng dụng hữu ích, nhất là ứng dụng Bình Định SmartCity. Ứng dụng này chính là “cầu nối” giúp người dân gần hơn với cơ quan nhà nước thông qua các tiện ích như: Phản ánh hiện trường, dịch vụ công, cung cấp số liệu KT-XH của tỉnh…
Ông T.A.M. (tiểu thương ở chợ khu 6), chia sẻ: “Ngoài chợ thường có tình trạng người dân buôn bán lấn chiếm lòng đường, gây ảnh hưởng cho các hộ kinh doanh và người đi đường.
Nhờ các cháu thanh niên hướng dẫn sử dụng ứng dụng Bình Định SmartCity trên điện thoại, tôi sẽ dùng ngay tiện ích phản ánh hiện trường”.
Theo ông Trần Anh Phong - Tổ phó Tổ quản lý Tổ Công nghệ số cộng đồng tỉnh, thực hiện chương trình Ngày chuyển đổi số (CĐS) quốc gia năm 2022, trong ngày 8.10, 159 tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, phường, thị trấn với trên 1.500 thành viên đã ra quân tuyên truyền, vận động ĐVTN, nhân dân cài đặt sử dụng các phần mềm, ứng dụng số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, khảo sát cơ sở dữ liệu để xây dựng ứng dụng phòng chống thiên tai…
“Thời gian tới, các hoạt động sẽ được các tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh, góp phần tích cực thúc đẩy CĐS từ cơ sở, từng bước xây dựng công dân số, xã hội số trong tương lai, gắn với xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính của tỉnh”, ông Phong cho hay.
Bắt nhịp chuyển đổi số trong khởi nghiệp
Chủ động vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội do CĐS mang lại, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Điển hình như vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Kiều (SN 1988) và chị Lê Thị Cảnh (SN 1989), ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân, bắt đầu khởi nghiệp với các sản phẩm bún, phở khô, mang thương hiệu Kicafood.
Với kiến thức làm bún, phở khô truyền thống do cha mẹ để lại, từ tháng 4.2021, anh chị đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng mở rộng nhà xưởng, nhập thêm các loại máy móc khác và tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Sau gần 2 năm khởi nghiệp, các sản phẩm do cơ sở của anh chị sản xuất đã được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh tin dùng và xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia. Sản lượng tiêu thụ hơn 60 tấn/năm, doanh thu đạt 1 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương, với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Chị Cảnh cho biết: “Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ tự động vào sản xuất, tôi còn sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Trên bao bì các sản phẩm Kicafood còn có logo HTX Nông nghiệp thanh niên Hoài Ân, mã vạch và mã QR-code để quét truy xuất thành phần sản phẩm, tạo sự tin tưởng đối với khách mua hàng”.
Còn anh Nguyễn Ngọc Hiên (SN 1986, ở khu phố Liêm Bình, phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn) chọn hướng khởi nghiệp sản xuất cà phê, với thương hiệu cà phê sạch “Gu Coffee”, chuyên phân phối các loại cà phê nguyên chất rang mộc. Năm 2021, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã tác động lớn, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, anh Hiên đã đưa sản phẩm cà phê lên một số sàn giao dịch điện tử giới thiệu, bày bán. Nhờ thế, hằng tháng anh vẫn cung cấp cho thị trường đều đặn hơn 1,5 tấn cà phê, lợi nhuận ước đạt trên 400 triệu đồng/năm.
“Bán hàng trên sàn giao dịch điện tử giúp tôi dễ quản lý thông tin khách hàng, đơn hàng, tiết kiệm được thời gian, chi phí thuê nhân công và nâng tầm thương hiệu”, anh Hiên cho hay.
“Tỉnh đoàn luôn xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên, triển khai các giải pháp CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Vì thế, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn CĐS cho ĐVTN; chú trọng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động Đoàn, Hội; hỗ trợ nâng cao năng lực CĐS cho thanh thiếu nhi trong học tập, khởi nghiệp, thích ứng với xã hội số; đưa các sản phẩm nông nghiệp OCOP của thanh niên lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng nền tảng số trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…”.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn HUỲNH THỊ THANH NGUYỆT
CHƯƠNG HIẾU