Nhân ngày chuyển đổi số quốc gia (10.10): Chuyển đổi số để cuộc sống tốt đẹp hơn
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh có chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Phóng viên Báo Bình Ðịnh phỏng vấn ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT xung quanh chủ đề này.
● Thưa ông, mục đích của các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia năm nay ở Bình Định là gì?
- CĐS giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức. Qua đó, giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm đem đến những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về CĐS tỉnh Bình Định đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, xác định: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong CĐS; CĐS trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Do vậy, kế hoạch tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm nay tại Bình Định nhằm mục đích thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, từ đó thụ hưởng các kết quả do CĐS mang lại.
● So với các tỉnh, thành trong cả nước, hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia tại Bình Định có gì sáng tạo, khác biệt, thưa ông?
- Để Ngày CĐS quốc gia được lan tỏa, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, như nhiều nơi đã làm: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải thông tin trên báo chí; trên cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo) của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền cổ động trực quan; quảng bá thúc đẩy mua sắm trực tuyến...
Đặc biệt, Sở TT&TT đã thực hiện 4 bộ hỏi - đáp về CĐS với hình thức Flashcard - “Thẻ thông tin”, gồm: Phần cẩm nang cơ bản với 30 thẻ, phần cẩm nang cho người dân với 19 thẻ, phần cẩm nang cho DN với 23 thẻ và phần cẩm nang cho cơ quan nhà nước với 30 thẻ, dựa theo cuốn “CẨM NANG CHUYỂN ĐỔI SỐ” của Bộ TT&TT. Hiện nay, bộ hỏi - đáp CĐS này đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông, lan tỏa trên Internet, mạng xã hội, tạo điều kiện để mọi người dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về CĐS. Bình Định là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện hoạt động này, được Bộ TT&TT đánh giá rất cao, đề nghị chuyển giao, nhân rộng trong cả nước.
● Các hoạt động CĐS của tỉnh đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Vậy người dân, DN cần làm gì để tiếp cận với hoạt động này?
- Thời gian qua, nhiều cơ quan trong tỉnh đã chú trọng thực hiện số hóa các dịch vụ hành chính công để hướng tới phục vụ người dân và DN tốt hơn. Do đó, để người dân, DN có thể tiếp cận thuận tiện nhất các hoạt động CĐS, tôi nghĩ cần từng bước nâng cao trình độ, nhận thức và kỹ năng cho người dân/DN, chuyển từ “công dân truyền thống”, “DN truyền thống” giao dịch trực tiếp, sang “công dân số”, “DN số” tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch hành chính công trực tuyến và các tiện ích trực tuyến.
Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
- Trong ảnh: Kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh. Ảnh: TRỌNG LỢI
● Thưa ông, để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả CĐS, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, cần phải làm gì trong thời gian đến?
- Theo tôi, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS. Đồng thời, tập trung đầu tư triển khai các nhiệm vụ của kế hoạch CĐS đã được phê duyệt.
Thúc đẩy sự vào cuộc của hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả triển khai nhiệm vụ CĐS. Ngoài ra, cần có những hình thức khen thưởng xứng đáng cho tập thể, cá nhân có những giải pháp, sáng kiến triển khai và thực hiện hiệu quả công tác CĐS.
● Xin cảm ơn ông!
9 tháng đầu năm 2022, kế hoạch triển khai 3 trụ cột CĐS (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) đạt nhiều kết quả nổi bật: Hoàn thành việc chuyển đổi IPv6 cho 100% cổng/trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành và Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã thông suốt 4 cấp chính quyền; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử qua hệ thống văn phòng điện tử, sử dụng chữ ký số chuyên dùng. 100% cơ quan nhà nước và 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã được cấp tài khoản thư điện tử công vụ tỉnh để thực hiện trao đổi công việc, gửi nhận văn bản điện tử. Cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 2.135 dịch vụ công trực tuyến, được vận hành tại địa chỉ https://dichvucong.binhdinh.gov.vn.
TRỌNG LỢI (Thực hiện)