Nhiều cây xăng đóng cửa: Có trách nhiệm của Bộ Công Thương
Việc đóng cửa, bán hạn chế của các cửa hàng xăng dầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân.
Cử tri và nhân dân phản ảnh việc điều hành chính sách, kể cả điều hành quỹ bình ổn giá xăng dầu, chiết khấu hiện nay chưa phù hợp dẫn đến nhiều cửa hàng xăng dầu nói càng kinh doanh càng lỗ nên phải đóng cửa.
Đông đúc khách chờ đợi mua xăng tại cây xăng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM ngày 11.10 - Ảnh: CÔNG TRUNG
Thực tế với tình hình xăng dầu hiện nay, rõ ràng nguồn nhập khẩu và nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn" chính là do khâu quản lý. Nếu đóng cửa không bán, ghìm hàng chờ tăng giá thì phải xử lý nghiêm minh bởi đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Song như phản ảnh của một số cửa hàng xăng dầu thì trong tính toán, phân bổ, chia sẻ lợi ích của các thương nhân nhập khẩu với các đơn vị phân phối đang không được hài hòa. Nói cách khác, mức chiết khấu đang có vấn đề. Trong buôn bán, kinh doanh, yếu tố lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu, lỗ cùng lỗ, lãi cùng lãi.
Còn nếu chỉ dồn vào một đối tượng thương nhân nhập khẩu đầu mối mà bỏ quên các cửa hàng bán lẻ thì không được.
Bản chất của kinh tế thị trường phải dựa trên lợi nhuận và phân bổ một cách hài hòa, đồng đều từ nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển, buôn bán, đưa tới người tiêu dùng. Khi mức chiết khấu không đủ thì việc họ đóng cửa hàng, ghìm hàng không bán là điều dễ hiểu.
Trong vấn đề này, dù do nguyên nhân nào cũng có trách nhiệm của Bộ Công Thương. Nếu ghìm hàng chờ tăng giá thì có trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, phải yêu cầu đơn vị kinh doanh xăng dầu có hàng phải bán ra chứ không được bán phập phù, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong trường hợp chiết khấu không hài hòa thì trách nhiệm chính thuộc về thương nhân nhập khẩu đầu mối xăng dầu, nhưng cũng có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc giám sát thực hiện quy trình nhập khẩu và phân phối xăng dầu.
Lẽ ra nếu phát hiện có vấn đề về chiết khấu không đảm bảo thì cần đề xuất cơ chế, biện pháp bằng pháp luật để xử lý, phòng ngừa.
Cần nói thêm Bộ Công Thương là đơn vị cấp phép nhập khẩu xăng dầu và có đầy đủ công cụ quản lý vấn đề này. Khi Bộ Công Thương cấp phép cho một đơn vị nhập khẩu xăng dầu phải làm sao để chuỗi cung ứng đó luôn lưu thông, đưa hàng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các cửa hàng xăng dầu đều hoạt động kinh doanh có điều kiện, đăng ký và được cấp phép mới hoạt động. Ở đây đã cấp phép mà không duy trì được hoạt động, không đúng điều kiện kinh doanh thì phải kiên quyết thu hồi cả giấy phép nhập khẩu lẫn giấy phép bán buôn, bán lẻ.
Khi chất vấn bộ trưởng Bộ Công Thương, tôi cũng đã đưa ra đề nghị phải gắn chip điện tử để theo dõi việc nhập xuất, ra vào, hàng tồn của cửa hàng xăng dầu.
Việc này về mặt kỹ thuật không khó, không quá tốn kém mà sẽ chống được gian lận, quản lý được hàng tồn để nếu trường hợp nào dừng không bán thì có thể xử lý ngay. Việc này nằm trong tầm tay quản lý của bộ, và bộ trưởng khi trả lời cũng bày tỏ đồng tình, nhưng đến nay chưa thực hiện.
Bộ Công Thương hiện nay có đầy đủ công cụ, sức mạnh pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan xăng dầu, vấn đề còn lại chính là sự quyết liệt, mạnh tay đến đâu mà thôi.
ĐBQH TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội)
(Theo THÀNH CHUNG/TTO)