Nâng tầm thể thao Bình Ðịnh
UBND tỉnh vừa quyết định ban hành Ðề án phát triển thể thao thành tích cao Bình Ðịnh đến năm 2026 và định hướng đến năm 2030. Ðây là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa các giải pháp nâng tầm thể thao Bình Ðịnh.
Đầu tư theo nhóm môn, tăng tỷ lệ HLV/VĐV
Hiện nay, tại các đội tuyển thể thao Bình Định có 34 HLV và 377 VĐV, nhưng theo đánh giá chung, chất lượng chưa đồng đều, lực lượng chuyên gia giỏi tham gia huấn luyện còn hạn chế, thiếu HLV chuyên về thể lực và bác sĩ thể thao cho các đội tuyển. VĐV các tuyến còn mỏng, nhất là lực lượng trẻ kế cận, chưa có sự điều chỉnh kịp thời lực lượng giữa các bộ môn để phù hợp với thực tiễn, khả năng đạt thành tích của các môn mũi nhọn, trọng điểm. Có sự thiếu hụt về lực lượng VĐV chất lượng chuyên môn cao.
Thể thao Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2027 có 5 - 6 VĐV tham dự SEA Games.
- Trong ảnh: VĐV Phạm Thị Hồng Lệ của đội tuyển điền kinh Bình Định thi đấu tại SEA Games 31 năm 2022, nơi cô giành giành 1 HCV, 1 HCB. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Để khắc phục tình trạng này, giai đoạn từ năm 2022 - 2026, số lượng VĐV chuyên nghiệp sẽ được tăng lên thành 410 người, số lượng HLV là 49 người. Đến năm 2030, thể thao Bình Định có 445 VĐV chuyên nghiệp và 54 HLV. Tham gia các giải quốc gia hằng năm phấn đấu đạt từ 350 - 370 huy chương các loại. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030: Phấn đấu đạt từ 11 - 12 HCV, xếp thứ hạng 21 - 20/65 tỉnh, thành, ngành. SEA Games năm 2027 có 5 - 6 VĐV, 2 - 3 HLV tham dự, đạt 4 - 5 huy chương. SEA Games năm 2029 phấn đấu có 6 - 7 VĐV và 3 - 4 HLV tham dự, đạt 5 - 6 huy chương. ASIAD năm 2030 phấn đấu có ít nhất 2 - 3 VĐV tham gia đội tuyển quốc gia, đạt 1 huy chương.
Theo Đề án, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao là tiến hành phân loại các môn thể thao theo nhóm để ưu tiên đầu tư và phát triển. Trong đó, nhóm I gồm các môn mũi nhọn, có thành tích ổn định ở các giải vô địch quốc gia và có khả năng đạt HCV tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc; nhóm II gồm các môn trọng điểm, có huy chương tại các giải trẻ, cúp, giải vô địch quốc gia và có khả năng đạt huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc; nhóm III gồm các môn tiềm năng, có khả năng đạt thành tích tại các giải quốc gia và từng bước nâng cao thành tích khi có điều kiện thuận lợi; nhóm IV gồm các môn xã hội hóa, môn thể thao chuyên nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Bùi Trung Hiếu, tuy số lượng huy chương các đội tuyển thể thao tỉnh giành được qua từng năm khá nhiều, nhưng vẫn chưa có phân tích cụ thể về “chất lượng” huy chương theo tính chất giải đấu… Có môn thành tích đi xuống, một số môn nhiều năm không có huy chương ở giải vô địch quốc gia, nhưng do không đánh giá nên vẫn chưa có hướng khắc phục. Do đó, sau mỗi kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc cần phân tích, đánh giá cụ thể để rà soát, đánh giá, sàng lọc và điều chỉnh thứ tự ưu tiên, bổ sung một số môn có khả năng phát triển về thành tích. Việc áp dụng chế độ đặc thù cho VĐV xuất sắc ở các bộ môn cũng được tính đến, để đảm bảo kích thích tinh thần tập luyện và tính cạnh tranh giữa các VĐV.
Quan tâm đến thể thao cơ sở
Hiện nay, hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao chưa phù hợp và chưa bảo đảm tính liên tục, liên thông giữa các tuyến như: Chưa có quy định về đào tạo năng khiếu nghiệp dư tại các huyện, thị xã, thành phố; một số bộ môn được đào tạo năng khiếu nhưng không có đội tuyển tỉnh… Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo, tập luyện thể thao chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu và xuống cấp, không đạt chuẩn theo quy định. Một số bộ môn chưa có cơ sở tập riêng, sử dụng tạm nên không đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Tại các huyện, thị xã chưa có nhiều công trình phục vụ cho công tác phát triển các môn thể thao, đào tạo năng khiếu ban đầu.
Ông Bùi Trung Hiếu phân tích: Được coi là cái gốc của thể thao thành tích cao, nhưng hiện lực lượng cán bộ, cộng tác viên làm công tác thể thao phong trào còn khá mỏng. Do đó, việc phát hiện tài năng, đào tạo cơ bản và đánh giá phong trào còn chưa được thực hiện tốt. Cần có kế hoạch rà soát, đánh giá chất lượng vệ tinh hiện có, để từ đó xây dựng giải pháp tăng cường số lượng vệ tinh tại các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở có TDTT, các trường học... Tập trung tạo nguồn nhân lực cho các tuyến từ cơ sở với mục tiêu đến năm 2026, xây dựng được 27 vệ tinh thể thao tại cơ sở và thành lập từ 5 - 10 đội năng khiếu nghiệp dư (khoảng 150 - 200 VĐV) ; đến năm 2030, xây dựng được 44 vệ tinh và thành lập từ 10 - 20 đội năng khiếu nghiệp dư (khoảng 250 - 300 VĐV) có chất lượng.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển sâu rộng phong trào TDTT quần chúng và xây dựng kế hoạch mỗi năm tổ chức từ 8 - 10 giải cấp tỉnh, tổ chức từ 2 - 3 lớp tập huấn và tham dự từ 10- 15 lớp/năm tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn do liên đoàn, hiệp hội, tổ chức thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức.
HOÀNG QUÂN