Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước cấp huyện: Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là thay đổi nhận thức
Khó khăn về hạ tầng, nhân lực, kinh phí… là những vấn đề cốt lõi nảy sinh trong cơ quan nhà nước cấp huyện khi thực hiện chuyển đổi số. Để khắc phục những trở ngại này, chính quyền các địa phương đang nỗ lực, chủ động vận dụng nhiều giải pháp, nguồn lực để thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số đã ban hành.
Thời gian qua, chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XX) về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, CĐS là lĩnh vực còn khá mới mẻ, nên khi triển khai các nội dung liên quan đến CĐS, chính quyền các địa phương đã gặp không ít khó khăn. Rõ thấy nhất, đó chính là về cơ chế, chính sách để thực hiện kế hoạch CĐS trên địa bàn tỉnh chưa ban hành kịp thời, dẫn đến các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn lúng túng trong việc triển khai.
Còn nhiều khó khăn
Hạ tầng số được đầu tư từ nhiều nguồn lực, nhưng nhìn chung còn thiếu đồng bộ. Nguồn lực CĐS, trong đó có nguồn lực con người (về đào tạo, bồi dưỡng) và cả kinh phí phục vụ CĐS chưa được quan tâm đúng mức.
Khó khăn về kinh phí, nguồn lực khiến việc CĐS ở cơ quan nhà nước cấp huyện gặp trở ngại.
- Trong ảnh: Trang thiết bị, máy móc đầu tư chưa đồng bộ, ảnh hưởng tiến độ giải quyết thủ tục hành chính ở TX An Nhơn. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH&TT TX An Nhơn, cho biết: TX An Nhơn đã chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, kế hoạch liên quan đến CĐS trên địa bàn. Tuy nhiên, để CĐS thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao, địa phương mong muốn các sở, ngành liên quan và đơn vị viễn thông hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Bởi, thực trạng hạ tầng ở địa phương còn khó khăn, hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Đồng thời, hỗ trợ thị xã tập huấn về CĐS cho người dân, cơ quan, DN; thẩm định các dự án thuộc đề án xây dựng TX An Nhơn trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đặc thù là huyện miền núi, người dân tộc thiểu số chiếm số đông, nên huyện Vân Canh gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai CĐS. Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho hay: Hạ tầng, thiết bị phục vụ CĐS thiếu đã đành. Khó khăn nữa hiện nay là ở khu vực nông thôn, vùng sâu nhiều người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận các nội dung CĐS. Nhận thức về CĐS của cộng đồng dân cư còn mơ hồ, nhất là bà con ở các làng, thôn vùng xa, vùng sâu.
Ngay cả TP Quy Nhơn, việc triển khai CĐS cũng gặp những khó khăn nhất định. Ông Phạm Hoàng Lâm, cán bộ Văn phòng HĐND&UBND TP Quy Nhơn, chỉ rõ: Chi phí đầu tư các giải pháp công nghệ số và triển khai, duy trì công nghệ khá tốn kém. Công chức, viên chức có kỹ năng về công nghệ thông tin ở các phòng, ban, đơn vị chưa đồng đều, vì vậy khi tiếp cận và vận hành các thao tác công nghệ số mất nhiều thời gian. Cơ sở hạ tầng công nghệ số cần thiết để thực hiện CĐS còn thiếu…
CĐS ở TX An Nhơn vẫn còn nhiều khó khăn.
- Trong ảnh: Người dân đến Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TX An Nhơn thực hiện thủ tục cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: TRỌNG LỢI
Cần quy chế, lộ trình thống nhất
Nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng CĐS cần có lộ trình, phương án phù hợp, nhất là về cung cấp kinh phí, nhân lực. Huyện Vân Canh đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành CĐS trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; đến năm 2030, huyện hoàn thành CĐS. Để hoàn thành mục tiêu này, ông Nguyễn Xuân Việt đề xuất sở, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng kế hoạch chi tiết, xây dựng bộ khung chuẩn để triển khai công tác CĐS phù hợp, trong đó có cơ chế tài chính, hướng dẫn, chỉ tiêu cụ thể hơn để các địa phương triển khai hợp lý, đúng quy định… tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, gây lãng phí.
“CĐS chỉ thành công nếu có sự tham gia của toàn dân, của tất cả cơ quan, tổ chức. Đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm được Đảng, Nhà nước quan tâm”
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
Từ nay đến năm 2025, Bình Định nỗ lực, phấn đấu nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để hoàn thành các mục tiêu này, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên vẫn là chuyển đổi nhận thức. Giải pháp cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng DN và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tiên phong, đi đầu trong CĐS để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị mình.
Chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh vào đầu tháng 6.2022, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng, nhấn mạnh: “CĐS chỉ thành công nếu có sự tham gia của toàn dân, của tất cả cơ quan, tổ chức. Đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm được Đảng, Nhà nước quan tâm”.
Trong bối cảnh nguồn kinh phí của tỉnh còn khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng “gợi mở” các sở, ngành, địa phương cần chọn một số lĩnh vực trọng tâm, thiết thực mang tính cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống người dân, DN, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh để tập trung triển khai; trong đó, ưu tiên các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, công thương, kế hoạch đầu tư…
Cần cơ chế hoạt động phù hợp cho tổ công nghệ số cộng đồng
Theo Sở TT&TT, cuối tháng 10.2022, toàn tỉnh đã có 159/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh thực hiện và thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.116 thôn/xóm với 4.353 người tham gia. Để các tổ công nghệ cộng đồng hoạt động hiệu quả, ông Nguyễn Sanh Trinh, Phó trưởng Phòng VH&TT TX Hoài Nhơn, Tổ trưởng tổ quản lý công nghệ số cộng đồng thị xã, kiến nghị cần có cơ chế hoạt động phù hợp, nguồn kinh phí để hỗ trợ các chuyên viên, tình nguyện viên tham gia. Đồng thời, có thêm các hoạt động hướng dẫn, chương trình, lớp tập huấn giúp các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng nâng cao kỹ năng số phục vụ nhiệm vụ được giao.
TRỌNG LỢI