Nhiều lợi ích khi nuôi trùn quế
Tháng 8.2020, anh Phan Trọng Hà ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn bắt tay xây dựng cơ sở nuôi trùn quế tại vườn nhà. Ban đầu, anh Hà mua vài cân trùn quế giống về nuôi thử trên diện tích 10 m2. Thấy trùn quế nảy nở ổn định, sinh sản đạt yêu cầu, anh đã quyết định mở rộng quy mô nuôi lên 100 m2, tổng lượng sinh khối trùn quế thành phẩm đến nay lên đến hơn 12 tấn.
Anh Hà kể, trước đây cũng có một số người ở địa phương đã nuôi trùn quế, nhưng do nhiều lý do nay không còn ai nuôi nữa. Nhận thấy trùn quế dễ nuôi, dễ bán, lại có thể chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau nên tôi quyết tâm đầu tư bài bản để nuôi.
Khu vực bố trí các ô nuôi trùn quế của anh Hà cao ráo, thoáng, các ô nuôi có mái và tường để che nắng, mưa gió, có hệ thống phun sương tạo độ ẩm, liền kề các ô nuôi là các hầm chứa phân bò tươi tạo nguồn thức ăn liên tục cho trùn. Theo anh Hà, bình quân 1 m2 ô nuôi trong 1 tháng sẽ cho ra 60 kg phân trùn quế; từ 1 - 1,5 tháng thu được 2 kg trùn quế tươi (nguyên liệu chính để sản xuất phân trùn quế sấy khô), đây là 2 sản phẩm chính hiện được nhiều người làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn sinh học ưa chuộng.
Để tạo thêm nguồn thu, đồng thời làm mô hình canh tác thân thiện với môi trường giới thiệu đến khách hàng, anh Hà dùng phân trùn quế bón cho 5 sào đậu phụng, măng tây, đậu bắp và 50 cây dừa xiêm trong vườn nhà. “Nhờ sử dụng 100% phân trùn quế mà các loại cây trồng vườn nhà tôi tốt tươi, năng suất cao, không chỉ tiết kiệm được một phần chi phí mà còn rất dễ bán nhờ thương lái biết cây trồng của vườn tôi không dùng phân bón vô cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”, anh Phan Trọng Hà chia sẻ.
ÐÀO MINH TRUNG