Tạo đột phá toàn diện trong sản xuất nông nghiệp
(BĐ) - Chiều 7.11, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT về kết quả thực hiện nhiệm vụ 10 tháng và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2022, định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong những năm tiếp theo.
Theo Sở NN&PTNT, trong 10 tháng qua, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đề ra đầu năm là từ 3,2 - 3,4%, qua 9 tháng, ước tăng 3,04%. Ước cả năm 2022 sẽ tăng 3,2%, trong đó, trồng trọt tăng 0,94%; chăn nuôi tăng 4,57%; lâm nghiệp tăng 6,18%; thủy sản tăng 3,15%. Ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ KHKT đến nông dân; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT. Ảnh: THU DỊU
Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh 4 nhóm vấn đề: Chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kêu gọi các DN kinh doanh, tiêu thụ, chế biến, bảo quản nông sản đầu tư để có cơ sở xây dựng các dự án liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả, bền vững. Quan tâm kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh theo kế hoạch đã ban hành. Xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí để mua thiết bị triển khai thí điểm nhật ký khai thác điện tử cho các tàu cá đánh bắt xa bờ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Phạm Anh Tuấn đánh giá cao vai trò của ngành nông nghiệp trong phát triển KT-XH của địa phương. Đồng chí chỉ đạo: Trước tiên, tổ chức chỉ đạo sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh chuyển từ bị động sang chủ động bằng việc chủ động đầu vào (phân, thuốc, giống) và dự báo đầu ra, công tác phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nông nghiệp phải tạo được đột phá trong hoạt động sản xuất, trước mắt tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Khẩn trương triển khai góp ý sâu vào quy hoạch chung của tỉnh, từ đó thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sâu rộng và lan tỏa. Cái chính của Bình Định là chuyển đổi đất trồng keo kém hiệu quả sang trồng cây khác, trồng rừng cây gỗ lớn. Các diện tích chuyển đổi phải được nghiên cứu chuyển đổi theo định hướng vùng trồng lớn, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng, xây dựng thương hiệu. Về chăn nuôi, chú trọng vào chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Về thủy sản, tập trung vào nuôi trồng thủy sản hiện đại theo hướng công nghệ cao. Trên lĩnh vực khai thác, ngành nông nghiệp xem xét định hướng khai thác thủy sản đánh bắt xa bờ, tính toán phương án cơ cấu lại đội tàu khai thác xa bờ để có kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp; xử lý các tàu giã cào còn hoạt động…
Trong tháng 11 này, ngành nông nghiệp phải lên phương án cụ thể chuyển đổi trong thời gian tới. Trước mắt, phải có kế hoạch những phần việc cụ thể năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp 4%/năm vào năm 2024 - 2025.
Cùng với đó, các sở: Công Thương, KH&CN, TN&MT, TT&TT, Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh lưu ý các đầu việc của Sở NN&PTNT để phối hợp cùng triển khai. Ở từng lĩnh vực, phải có phương án cụ thể cho từng năm. Trong tuần này, các sở phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho năm 2023 phân rã chi tiết tới từng địa phương, để các địa phương nắm bắt và trình HĐND huyện, thị xã, thành phố cho đồng bộ. Các sở xây dựng kế hoạch hành động trong 3 năm, trong đó năm 2023 tập trung vào các phần việc tạo đột phá cho tăng trưởng năm 2024 - 2025.
THU DỊU