Thâm canh cây đậu phụng sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm gắn liên kết chuỗi: Lợi lớn nhiều bề
Thực hiện Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2021 - 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình Thâm canh cây đậu phụng sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm gắn liên kết chuỗi, triển khai tại các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và Phù Cát; quy mô diện tích 15 ha/40 nông hộ tham gia.
Tỉnh Bình Định có diện tích đậu phụng khá lớn, hơn 10.200 ha, năng suất trung bình 36,7 tạ/ha; sản lượng đậu phụng tăng đều, năm sau cao hơn năm trước. Có được điều này là nhờ nông dân biết chọn giống tốt, nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt là ứng dụng các tiến bộ KHKT, thiết bị công nghệ mới (sử dụng hệ thống tưới, công cụ gieo hạt…). Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm một số lúc còn bấp bênh, nông dân chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh. Từ thực tế đó, cùng với việc chuyển giao kỹ thuật, các mô hình của Trung tâm còn hướng tới xây dựng liên kết chuỗi giúp nâng cao giá trị cho nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Đánh giá sơ bộ cho thấy cách làm mới giúp tăng năng suất, sản lượng và lợi nhuận cao hơn so với cách làm cũ.
Mô hình chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây đậu phụng gắn liên kết chuỗi kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai. Ảnh: QUANG BẢO
Ông Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật phụ trách các mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ, một trong những vướng mắc đó là khâu sản xuất, dù đã áp dụng nhiều tiến bộ KHKT nhưng mức độ áp dụng của các hộ dân còn hạn chế, hơn nữa hiện tượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường khiến sản phẩm thu hoạch chưa đồng đều về chất lượng, hình thức… Khi triển khai các mô hình này, Trung tâm muốn tập trung làm tốt khâu chuẩn bị sản xuất, bước đầu hình thành tư duy và duy trì thói quen thực hành sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng và có năng suất ổn định để từng bước hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ đậu phụng tại địa phương.
Qua tổng kết của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình đã đưa ra nhiều tiêu chí thể hiện được ưu điểm: Chi phí đầu tư trên 1 ha đậu phụng thâm canh gắn lắp đặt hệ thống tưới từ 54 - 66 triệu đồng; tổng thu 86 -103 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân đạt 35,5 triệu đồng/ha. Phân tích chi phí đầu tư sản xuất sẽ thấy, riêng lắp đặt hệ thống tưới bán tự động với chi phí ban đầu khoảng 45 triệu đồng/ha, khấu hao trong 5 năm, mỗi năm 9 triệu đồng; trong khi đó nếu tưới ống dây như lâu nay chi phí mỗi năm lên đến khoảng 14 triệu đồng. Hơn nữa, hệ thống mới cho phép áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, qua đó vừa tiết kiệm được công tưới, tiết kiệm nước, điện vận hành...
Mô hình còn cho thấy nếu chịu khó ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất sẽ quản lý sâu bệnh hại trên ruộng tốt hơn, từ đó giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; ý thức được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giảm tồn dư hóa chất trong nông sản, bảo vệ môi trường sống, sức khỏe cộng đồng và chính mình... Những lợi ích đó khiến nông dân chuyển dần sang kỹ thuật canh tác an toàn sinh học, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Điều này là khả thi bởi kết quả mô hình thí điểm tại vụ Hè Thu 2022 ở Vĩnh Thạnh đã cung cấp một ví dụ minh họa. Việc thực hiện mô hình đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con nông dân, đặc biệt đồng bào đã mạnh dạn đưa cây đậu phụng vào sản xuất ở vụ Hè Thu tại những vùng có nguồn nước tưới đảm bảo ổn định.
Nhiệm vụ quan trọng của khuyến nông là khảo nghiệm và chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Với trồng trọt, quan trọng là khảo nghiệm các giống mới để tìm ra bộ giống phù hợp, từ đó có thể nhân rộng để nông dân áp dụng. Đậu phụng là một trong cây trồng chủ lực, đặc biệt là phù hợp với các vùng chuyển đổi cây trồng cạn. Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Ngoài chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi hướng tới nhân rộng các mô hình để tạo vùng nguyên liệu sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết giúp nông dân ổn định tiêu thụ sản phẩm. Định hướng của ngành nông nghiệp là chuyển dần từ sản xuất bị động sang chủ động, do vậy mỗi lĩnh vực liên quan phải bám sát theo chương trình chung để triển khai hiệu quả công việc, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành. Thời gian tới, chúng tôi tiếp cận với một số máy móc cho thu hoạch nông sản, trong đó có cây đậu phụng nhằm hoàn thiện chuỗi ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ từ sản xuất cho tới thu hoạch, giúp nông dân tiết kiệm tối đa thời gian, nhân công, chi phí trong sản xuất.
QUANG BẢO