Khai thác tốt cơ sở dữ liệu, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân
Nhờ sớm chủ động xây dựng, đến nay tỉnh Bình Định đã bao phủ hồ sơ sức khỏe điện tử trong nhân dân đạt tỷ lệ khoảng 97%. Để khai thác tốt cơ sở dữ liệu này và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế tỉnh tiếp tục thực hiện các bước liên quan và cao hơn.
Từ năm 2018, Bình Định đã triển khai thí điểm việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT) cho toàn dân ở 11 huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, các địa phương đã tổ chức đoàn khám sức khỏe với đầy đủ chuyên khoa để khám tại các xã, phường, thị trấn. Trạm y tế xã cập nhật thông tin từ kết quả khám sức khỏe lên phần mềm HSSKĐT. Các cơ sở khám chữa bệnh tham gia phối hợp trong việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân bằng cách cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin người bệnh lên phần mềm quản lý khám chữa bệnh của đơn vị, thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng... để thực hiện liên thông, kết nối giữa các phần mềm.
Ông Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, chia sẻ: Chúng tôi đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân ở tất cả 15 xã, phường. Hiện tại, phần mềm quản lý y tế cơ sở tại trạm y tế, phần mềm quản lý bệnh viện tại TTYT, phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe, chúng tôi đều sử dụng của Viettel nên việc liên thông dễ dàng.
Khi hoàn thiện và triển khai tốt HSSKĐT, người dân có thể biết bản thân đã khám chữa bệnh ở đâu, loại thuốc điều trị, thời gian tái khám và các hướng dẫn của bác sĩ.
- Trong ảnh: Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bình Định. Ảnh: Đ. THẢO
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, đánh giá: Toàn tỉnh hiện có khoảng 97% dân số được quản lý bằng HSSKĐT. Đây là nền tảng quan trọng tạo thuận lợi rất lớn để ngành Y tế tiếp tục thực hiện chuyển đổi số.
Về việc xây dựng kế hoạch triển khai các nền tảng số y tế trong quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân và hình thành cơ sở dữ liệu quản lý HSSKĐT tại tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, BHXH tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch trong toàn tỉnh trước ngày 31.12.2022.
Ông Lê Quang Hùng cho biết thêm: HSSKĐT công dân đã bao phủ khoảng 97%, việc tiếp theo là khai thác tốt các dữ liệu đã tích hợp tại HSSKĐT. Và quan trọng là phải đưa ứng dụng (app) HSSKĐT đó đến tay người dân, truyền thông để người dân biết lợi ích của nó, từ đó hợp tác, phát huy lợi ích. Ví dụ, với app này, người dân dễ dàng tìm lại các thông tin như mình đã khám bệnh ở đâu, kết quả thế nào, dùng thuốc gì, tái khám ra sao... Đồng thời, tại cơ sở y tế phải đầu tư thêm một số trang thiết bị như: Máy X-quang kỹ thuật số, máy CT... để tích hợp vào phần mềm PACS (hệ thống quản lý thông tin lưu trữ và thu giữ hình ảnh - bệnh án điện tử) và cập nhật vào HSSKĐT. Tuy nhiên vấn đề này liên quan đến bảo mật thông tin, cho nên để phát triển thêm cần kế hoạch bài bản, chu đáo, trong đó cần chuẩn bị về tài chính, đặc biệt là thể chế, quy định.
ĐỖ THẢO