World Cup 2022: Cơ hội nào cho các đội bóng châu Á?
Chứng kiến đội chủ nhà Qatar và sau đó là Iran thất bại nặng nề ở lượt trận ra quân vòng bảng World Cup 2022, thật khó để kỳ vọng vào một giải đấu thành công cho các đội bóng châu Á ở sân chơi tầm thế giới.
Đúng như nhận định về chuyên môn trước giờ khai mạc, dẫu đầu tư 200 tỷ USD để tổ chức World Cup 2022, cùng hàng chục năm chuẩn bị về chuyên môn, nhưng đội tuyển Qatar chưa cho thấy sự lột xác về lối chơi. Vì vậy, ngay cả khi được chơi trên sân nhà, trước đối thủ chỉ được xếp hạng trung bình ở khu vực Nam Mỹ là Ecuador, đội bóng Tây Á cũng không thể hiện được nhiều. Thua kém đối phương trong tranh chấp, tốc độ và cả sức mạnh, đoàn quân của HLV Felix Sanchez phản kháng yếu ớt, liên tục bị đối phương đưa vào thế bị động ngay từ những phút đầu trận. Với những gì đội tuyển Hà Lan và Senegal thể hiện, rất khó để hy vọng đội chủ nhà Qatar sẽ giành một tấm vé của bảng A để đi tiếp vào vòng sau.
Đội tuyển Iran (áo sậm) tỏ ra yếu ớt khi đối đầu với tuyển Anh. Ảnh: TNO
Trong khi đó, Iran vẫn được đánh giá là đội bóng hàng đầu châu Á từ nhiều năm qua, với không ít cầu thủ được làm quen với môi trường bóng đá châu Âu. Nhưng ở trận ra quân, họ đã nhận trận thua đậm, với tỷ số của một set tennis (2 - 6) trước tuyển Anh. Đội bóng “Tam sư” tỏ ra quá mạnh, với đội hình trị giá khoảng 1,5 tỷ USD trên thị trường chuyển nhượng, nhưng điều đó không thể bào chữa cho thất bại muối mặt của thầy trò HLV Carlos Queiroz. Thật khó tin khi ở sân chơi World Cup mà các học trò của HLV Gareth Southgate lại thi đấu như dạo chơi. Thậm chí có tình huống tiền đạo đội bóng xứ sương mù thong dong đi bóng và dứt điểm ghi bàn khi trước mặt có đến 3 - 4 hậu vệ. Chung bảng với 2 đối thủ còn lại không quá mạnh là Mỹ và Xứ Wales, cơ hội vẫn chưa phải đã hết với Iran, nhưng với những gì đã thể hiện, dù có vượt qua vòng bảng họ cũng khó tiến sâu ở giải lần này.
Buồn cho bóng đá Tây Á, người hâm mộ khó lòng đặt thêm kỳ vọng dù Saudi Arabia đã tạo ra một “cơn địa chấn” sau khi tạo ra cú lội ngược dòng ngoạn mục, đánh bại Argentina với tỷ số 2 - 1, mà hướng mắt trông chờ vào màn trình diễn của các đội tuyển Đông Á, với hy vọng thấy những điểm sáng le lói. Nhưng nhìn vào các bảng đấu, thực sự lo ngại cho cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc, bởi đội bóng đất nước mặt trời mọc phải đối đầu với 2 ông lớn của châu Âu là tuyển Đức và Tây Ban Nha. Đó là chưa kể một Costa Rica không phải là đối thủ dễ chịu. Trong khi đó, đội bóng quê hương HLV Park Hang Seo phải cạnh tranh với tuyển Uruguay, Bồ Đào Nha và Ghana.
Cho đến nay, thành tích tốt nhất ở vòng chung kết World Cup mà một đội bóng châu Á giành được là vị trí thứ 4 của Hàn Quốc năm 2002, khi họ đồng đăng cai với Nhật Bản. Nhìn vào khoảng cách trình độ giữa các đại diện Nam Mỹ, châu Âu với bóng đá châu Á, hẳn sẽ còn rất lâu nữa thành tích trên mới được tái hiện…
ÐỨC MẠNH